Ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững
Ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang được các địa phương, doanh nghiệp, nhà nông trong tỉnh áp dụng rộng rãi, giúp nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp chuyển hướng sang CNC
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng hơn 3% trong cơ cấu kinh tế, nhưng thời gian qua Bình Dương vẫn quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đáng chú ý, tỉnh chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân.
Sản phẩm bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, dưa lưới, cam sành của Bình Dương tạo được uy tín trên thị trường. Trong ảnh: Mô hình trồng cây có múi ở huyện Phú Giáo
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ứng dụng KHCN sẽ giải quyết những thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ, như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc ứng dụng CNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC giúp thay đổi ngành nông nghiệp tỉnh, đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC, cụ thể: Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào KHCN, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng, phù hợp với lợi thế của từng vùng… Định hướng này cùng với những chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp CNC của tỉnh đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp và chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng cao. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu cho doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm...
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 256 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt, với tổng diện tích hơn 1.000 ha.
Hiệu quả từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Khu nông nghiệp CNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I có tổng diện tích hơn 410 ha. Đến nay, khu nông nghiệp này đã phủ xanh toàn bộ diện tích với các loại cây trồng có lợi thế so sánh, có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng được mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hai mô hình chủ yếu tại khu nông nghiệp này là trồng dưa lưới trong nhà kính mang lại doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm và mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu mang lại doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm.
Dưa lưới được trồng với diện tích gần 15 ha, năng suất bình quân 90 tấn/ha/năm, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Diện tích trồng chuối gần 200 ha, được canh tác theo quy trình hiện đại. Sản lượng bình quân 50 tấn/ha/năm, sản phẩm xuất khẩu chiếm 75%.
Sơ chế đóng gói chuối, dưa lưới tại Khu nông nghiệp CNC An Thái
Ngoài hai mô hình trên, Khu nông nghiệp CNC An Thái còn sản xuất nhiều loại nông sản khác, như nhãn Edaw, mít ruột đỏ, dứa MD2, cây có múi. Đây đều là các loại trái cây có thị trường tiêu thụ lớn. Tất cả sản phẩm canh tác tại Khu nông nghiệp CNC An Thái đều đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, một phần diện tích của khu nông nghiệp này đang được sử dụng trồng cây ổi theo hướng hữu cơ, sử dụng những chế phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thân thiện với môi trường.
Với kết quả đạt được, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đã đầu tư dự án trồng chuối xuất khẩu khác có quy mô 1.000 ha tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Công ty đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho các nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại hàng ngàn ha tại Việt Nam. Hiện đã có gần 30 trang trại, đơn vị, cá nhân liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I trồng chuối và dưa lưới.
Có thể khẳng định, việc áp dụng KHCN vào các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng của các thị trường khó tính… Những đóng góp của KHCN trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng CNC là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trong thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục có những chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; thực hiện đồng bộ các chính sách, góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển bền vững.