Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự phát triển của nền khoa học và công nghệ (KH&CN) cả nước, hoạt động KH&CN của Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều thành tựu KH&CN mới, các kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, Sóc Trăng đã và đang triển khai 161 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, tập trung ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và canh tác các giống lúa thơm đặc sản như: Khao Dawk Mali 105, ST1, ST2, ST3, ST5, ST10, ST17, ST18, ST19, ST20… Trong đó, gạo ST25 đã 2 lần được vinh danh Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, 2023. Năm 2021, công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016 được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6, mang lại vinh dự chung cho lúa gạo Sóc Trăng.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng các điểm mô hình sản xuất rau, cây ăn trái, canh tác theo hướng hữu cơ. Nổi bật là mô hình sản xuất rau an toàn tại thị xã Ngã Năm, các huyện: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thành phố Sóc Trăng... góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 nhà lưới, nhà màng. Từ những ứng dụng thiết thực, các sản phẩm từ rau màu, cây ăn trái của tỉnh đã tạo được nét đặc trưng, như củ hành tím, artemia Vĩnh Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, vú sữa tím Trinh Phú, trái cây Cù Lao Dung được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ rau màu, trái cây như mãng cầu gai, thanh long, xoài... cũng được quan tâm nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, một số đề tài, dự án đã được triển khai hiệu quả như Dự án “Đa dạng các sản phẩm chế biến từ mãng cầu gai” đã xây dựng quy trình các sản phẩm trà quả mãng cầu lên men, trà quả mãng cầu túi lọc, nước quả mãng cầu lên men, trà lá mãng cầu lên men, bột sinh tố mãng cầu.

Thủy sản được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Việc xây dựng quy trình nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp đã đưa nghề nuôi tôm sú ở Sóc Trăng phát triển cao so với các tỉnh trong khu vực, tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh phát triển. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có diện tích nuôi trồng thủy sản, kể cả các vùng nước ngọt. Trong đó thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú có diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ điện tử và thông tin để quản lý môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng ngày càng mạnh mẽ, người dân không ngừng ứng dụng, cải tiến công nghệ nuôi, ứng dụng các biện pháp sinh học nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tăng giá trị kinh tế. Tỉnh đã đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở kết quả của dự án, vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Sản xuất Thương mại Thành Đạt đã xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước ao nuôi thủy sản tại doanh nghiệp hiệu quả.

Trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, ngành KH&CN tỉnh đã hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh theo quy trình nước xanh cải tiến, chuyển giao công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính, cá tra, xây dựng các mô hình nuôi hàu, cá bông lau, sản xuất giống cá lóc đồng, đặc biệt là việc xây dựng quy trình nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp. Năm 2020, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã triển khai nghiên cứu mô hình nuôi artemia thâm canh, đồng thời nghiên cứu quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại thị xã Vĩnh Châu. Từ đó, thị trường tiêu thụ trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu được mở rộng, trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu được tiêu thụ ổn định ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Đồng chí Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết, hoạt động nghiên cứu KH&CN đã từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống. Trên cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, tận dụng có hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ cao, công nghệ số ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sẽ tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ chế biến sâu trong phát triển sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP. Đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ xác lập, quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của địa phương, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-69608.html