Ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sức bật cho nông nghiệp

Mô hình nuôi chình, cá lóc trong bể xi măng tại xã An Mỹ (huyện Tuy An) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THÁI HÀ

Dự án “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại xã An Mỹ và An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên” có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Dự án nói trên được triển khai từ năm 2016 do TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện. Khi triển khai dự án, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích, đánh giá hiện trạng và hiệu quả sản xuất lúa gạo đỏ ở 2 xã An Mỹ, An Cư; đồng thời xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính khả thi cao.

Có khả năng nhân rộng

Cụ thể, nhóm tác giả đã xây dựng được mô hình cà gai leo 1ha, cung cấp nguyên liệu cho ngành dược phẩm, cho hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với phương thức sản xuất hiện tại (lúa đông xuân, dưa hè thu); xây dựng mô hình sản xuất dừa uống nước với diện tích 2ha vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch vừa tăng hiệu quả kinh tế; xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 8ha theo hướng giảm chi phí đầu vào sản xuất với giống và kỹ thuật canh tác hiện đại; xây dựng mô hình nuôi cá chình bông theo hướng thâm canh với 2 hộ (60m2/hộ), hiệu quả kinh tế tăng 20% so với nuôi trồng thủy sản hiện tại.

Ông Nguyễn Minh Dung đang canh tác cà gai leo tại xã An Mỹ, cho biết: “Tôi trồng cà gai leo theo quy trình VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, ghi chép cẩn thận lại quá trình trồng. Lúc xuống giống, giá của sản phẩm này lên đến 200.000 đồng/kg. Đến khi thu hoạch thì giá giảm chỉ còn 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, chúng tôi vẫn có lãi nhiều hơn các cây trồng khác. Vấn đề là nếu lo được đầu ra, chúng tôi sẽ an tâm mở rộng diện tích”.

Là hộ dân nuôi cá nước ngọt, cá chình trong bể xi măng, ông Nguyễn Văn Tí (xã An Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, gia đình ông Tí đã thoát nghèo và hiện làm ăn khấm khá với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, những mô hình được chuyển giao cho người dân xã An Mỹ, An Cư trước mắt đã mang lại hiệu quả thiết thực và đều có khả năng nhân rộng cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có một số vấn đề cần khắc phục.

Ví dụ như, thời gian qua, cây cà gai leo tuy có biến động về giá, có lúc giá xuống rất thấp nhưng vẫn có những hộ dân duy trì được diện tích và có lãi. Mô hình cá chình cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lại khó khăn về con giống. Vì vậy, vấn đề ở đây là cần chủ động ương giống cá chình tại địa phương, đồng thời đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của dự án. Riêng mô hình dừa uống nước cần có giải pháp trồng tập trung tại một số xã ven biển, tránh tình trạng dừa chết do nắng hạn.

Cần chú trọng sản xuất theo chuỗi

ThS Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng (Sở NN-PTNT) - người phản biện dự án cho rằng, đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, các mô hình, dự án nông nghiệp buộc phải chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm chi phí sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, nhóm thực hiện đề tài đã tập trung giải quyết tốt việc tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của địa phương, cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững; tập trung xây dựng vùng xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu chỉ làm được đến đó mà không hình thành được chuỗi sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm thì không thể duy trì và phát triển được các mô hình. Bởi, để duy trì vùng nguyên liệu lâu dài, nông dân và doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương cần kết nối về mặt lợi ích. Bên cạnh đó, chính nông dân cũng phải tự kết nối với nhau để chia sẻ kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường. Có như vậy, những nông dân sản xuất cùng một sản phẩm mới đoàn kết, thống nhất giá bán trong trường hợp nguồn cung quá lớn, tránh bị thương lái ép giá.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hồ Huy Cường, chủ nhiệm dự án cho biết, sản phẩm gạo đỏ từ dự án hiện cung không đủ cầu; đầu ra cho cá chình cũng rất khả quan. Riêng cây cà gai leo, những người thực hiện dự án sẽ đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm việc với các bên có nhu cầu thu mua để giúp đảm bảo đầu ra sản phẩm cho người dân.

Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN khẳng định, trong giai đoạn phát triển mới, việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là việc phải làm. Tuy nhiên, sau đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp mới mang đầy đủ ý nghĩa và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp mới mang đầy đủ ý nghĩa.

Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/228783/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-tao-suc-bat-cho-nong-nghiep.html