Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho nông nghiệp miền núi

Phát huy lợi thế về đất đai, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình tích cực với sự xuất hiện của nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, các mô hình này còn góp phần vào thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Mô hình sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Đầu tháng 11, thời điểm mùa thanh long bước về cuối vụ, thế nhưng, trên khoảng đồi gần 2 ha của gia đình anh Nguyễn Ngọc Linh, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, gần 2000 trụ thanh long vẫn nặng trĩu quả.

Anh Linh chia sẻ: “Thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế cao, song cũng đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của huyện, cuối năm 2020 vừa qua, gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động công nghệ Israel cho toàn bộ diện tích.

Đây được xem là giải pháp hiệu quả đối với người trồng thanh long. Không chỉ đảm bảo phân bố độ ẩm đồng đều cho cây, sử dụng hệ thống tưới này còn tiết kiệm được công lao động.

Nếu như trước đây, một mình tôi phải mất 2 ngày để tưới hết 2ha thanh long thì nay chỉ mất chút ít thời gian vận hành. Trong thời gian tưới cây, tôi có thể làm thêm nhiều việc khác.

Đó là chưa kể tới việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn hạn chế được tình trạng rửa trôi chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong điều kiện đất dốc, góp phần tăng năng suất cây trồng”.

Để nâng cao giá trị kinh tế của cây thanh long, từ nhiều năm nay, anh Linh đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống đèn điện, áp dụng biện pháp chiếu đèn kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ.

Sau khó khăn thời gian đầu thử nghiệm, đến nay, biện pháp này đã mang lại cho gia đình anh một khoản lợi nhuận tăng thêm khoảng 30% mỗi năm nhờ kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất và giá bán thanh long trái vụ cũng tăng thêm từ 6 - 8 nghìn đồng/kg, thậm chí trên 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm chính vụ.

Với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thanh long giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây giúp gia đình anh Linh và không ít hộ dân ở xã miền núi này “ăn lên làm ra”.

Rời Vân Trục, chúng tôi có mặt tại HTX nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, một trong những HTX điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nấm.

Anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX cho biết: "Được hỗ trợ của các chuyên gia của Trung tâm Công nghệ Sinh học, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam về kiến thức cũng như chuyển giao nghệ, từ năm 2019 trở lại đây, HTX tập trung vào nghiên cứu cấy mô nhằm nhân giống tại chỗ, đồng thời phát triển thêm sản phẩm mới là Đông trùng hạ thảo".

Theo đó, HTX đã đầu tư lại hệ thống nhà xưởng, lắp đặt phòng lạnh, phòng ươm, khu vực nuôi trồng và trang bị một loạt các trang thiết bị phục vụ việc nuôi cấy nấm như tủ cấy, nồi hấp sấy khử trùng dụng cụ, nồi hấp giá thể…

Anh Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: “Việc tập trung nghiên cứu cấy mô và ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất giúp HTX chủ động được nguồn gen giống, lựa chọn được những gen tốt để nhân giống.

Đồng thời, giảm thiểu tình trạng sâu bệnh, đảm bảo môi trường cho nấm sinh trưởng, phát triển tốt”. Từ chỗ chỉ sản xuất nấm sò, đến nay, HTX đã cho ra thị trường 3 sản phẩm chủ lực là nấm sò, nấm rơm và đông trùng hạ thảo với sản lượng năm 2020 đạt trên 130 tấn.

Trong đó, sản phẩm nấm sò và đông trùng hạ thảo đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Thực tế trong những năm gần đây, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện 960 lượt đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Các đề tài nghiên cứu tập trung vào việc thử nghiệm các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đời sống, phù hợp nhu cầu thực tế sản xuất của người nông dân.

Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã góp phần tích cực thay đổi tư duy kinh tế của của bà con nông dân, bắt đầu tiếp cận với khái niệm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thậm chí, một số hộ bắt đầu sử dụng diện thoại thông minh, giới thiệu và chào bán sản phẩm lên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Vỏ Sò, Postmart...

Đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, tuy nhiên, việc ứng dụng KHCN tại khu vực miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch cho biết: "Ai cũng biết đưa công nghệ vào sẽ giảm sức lao động, song việc này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, ở khu vực miền núi, số đông bà con chưa có đủ nguồn vốn để đáp ứng, tiếp nhận KHCN mới.

Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng, trên thực tế, trình độ quản lý vận hành máy móc, công nghệ của bà con còn khá hạn chế".

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, đặt ra cho nông nghiệp Vĩnh Phúc nhiều thách thức mới.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và quy mô lớn, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại; khuyến khích đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72961/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-tao-suc-bat-cho-nong-nghiep-mien-nui.html