Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu
Mặc dù là một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa nhiều, song cơ chế quản lý các tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ tại Lai Châu đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa, gắn với sản xuất và kinh doanh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV đã xác định nhiệm vụ đột phá là “tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản trị và sản xuất“. Với mục tiêu này, địa phương đã thu hút được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Từ đó tạo ra các sản phẩm OCOP chủ lực, cũng như thương hiệu các mặt hàng nông sản trên thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Khoa học và công nghệ là khái niệm vốn rất xa vời với đồng bào Mông ở xã vùng cao tại Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Trước đây việc sản xuất nông nghiệp của bà con chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên và hiệu quả sản xuất thấp. Thế nhưng, từ khi được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại địa phương chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bà con đã biết áp dụng vào sản xuất và tạo ra thu nhập ổn định hàng năm.
Ông Sùng A Mang, hộ dân trồng sâm tại xã Khun Há, huyện Tam Đường chia sẻ, Hợp tác xã sâm Lai Châu tại Khun Há được thành lập năm 2008. Những ngày đầu bắt tay vào trồng không có kỹ thuật, kinh nghiệm nên tỷ lệ cây chết rất nhiều. Thế nhưng từ khi ứng dụng khoa học vào sản xuất, hợp tác xã không chỉ sản xuất được giống để nhân rộng mô hình lên hàng nghìn mét vuông mà hiện còn đang chăm sóc, bảo tồn nhiều cây sâm quý có tuổi đời vài chục năm tuổi để giữ nguồn gen.
"Để cây sâm phát triển tốt, phải lấy phần đất đen trên đá có chất dinh dưỡng cao để trồng. Quá trình chăm sóc phải lấy một lớp lá phủ lên trên. Thường cây sâm hay bị bệnh gỉ sét hoặc thối củ. Quá trình trồng bà con đã rút ra được kinh nghiệm là lấy đất xốp để thoát nước nhiều hơn và chuyển sang trồng vào những cái giỏ để độ thoát nước cao hơn. Và vào mùa mưa phải che bạt để tránh nước mưa tích trong đất nhiều" - ông Sùng A Mang cho biết.
Để chủ trương trồng sâm ở Lai Châu được phát triển bền vững và thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế, cơ quan chức năng đã có 4 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và cấp quốc gia đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Nhờ đó, đến nay địa phương đã thu hút được hơn 20 doanh nghiệp lớn và hàng trăm hộ dân đầu tư trồng, với tổng diện tích lên tới hàng trăm héc ta.
Theo tiến sỹ Phạm Quang Tuyến, Viện nghiên cứu Lâm sinh, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, địa thế và khí hậu ở Lai Châu rất phù hợp cho phát triển cây sâm bản địa. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển cây sâm Lai Châu trở thành hàng hóa có giá trị dược liệu và thương hiệu bền vững thì quy trình chọn giống, nhân giống, chăm sóc cần phải được nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào trồng.
Tiến sỹ Tuyến nhấn mạnh: "Để bảo tồn nguồn gen sâm Lai Châu, trước hết địa phương phải thành lập trung tâm nghiên cứu, thu thập, lưu giữ nguồn gen về để tạo thành nguồn gen gốc, nguồn gen có giá trị để sau này lai tạo phát triển nguồn giống. Thông qua việc sản xuất trồng, chúng ta sẽ thu hái được nguồn giống, thậm chí chúng ta sẽ trả lại về tự nhiên để tăng tính đa dạng trong quần thể. Từ đó quá trình chọn lọc giống sẽ tạo ra nguồn giống tốt có giá trị cho việc sản xuất và phát triển".
Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng đổi mới công nghệ. Từ đó đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm thương hiệu như chè, mắc ca, các sản phẩm dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao... góp phần quảng bá hình ảnh Lai Châu đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu cho biết, nhờ đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi hàng năm trên địa bàn tăng từ 10-15%, giá bán bình quân tăng từ 20-30%. Để khoa học công nghệ thực sự là bàn đạp trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, rất cần thêm những chính sách hỗ trợ đồng bộ.
Theo ông Đức: "Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ vào sản xuất. Như là việc bảo tồn giống cây sâm Lai Châu hiện nay đã nhân rộng trên 4 huyện, với tốc độ phát triển rất nhanh. Thứ hai là ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc chế biến sản phẩm về chè cũng có rất nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Và gần đây nhất là thực hiện Nghị quyết 09 là việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế được hình thành từ kết quả nghiên cứu như là cá tầm và một số mô hình về lợn đen...góp phần nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn".
Mặc dù là một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa nhiều, song cơ chế quản lý các tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ tại Lai Châu đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa, gắn với sản xuất và kinh doanh. Thực tế đã chứng minh là các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp khi ứng dụng tốt khoa học và công nghệ vào sản xuất đã tạo ra các sản phẩm chất lượng, tạo động lực trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương./.