Ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Định

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN), huyện Yên Định phối hợp với các ngành chức năng ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Kêu gọi, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất thử nghiệm. Từ việc áp dụng KH&CN, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Định Hòa, đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Định Hòa, đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Năm 2023, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 11 mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, như: Mô hình khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng ST25 tại xã Yên Hùng với diện tích 10ha, sản lượng, năng suất đạt 5,95 tấn/ha; mô hình giống lúa nếp Hương sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 10ha, năng suất đạt 7,65 tấn/ha, tại xã Yên Lâm; ứng dụng thuốc diệt chuột sinh học tại xã Yên Tâm, quy mô 1ha; mô hình sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa tại xã Định Công với diện tích 15ha; mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại xã Yên Phong, quy mô 10 bể nuôi với 20.000 con lươn giống, sản lượng thu hoạch 4.650kg lươn thịt; mô hình phun trừ sâu cuốn lá nhỏ bằng máy bay tại xã Định Long, quy mô 8ha; mô hình trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ tại thị trấn Quý Lộc, quy mô 5ha, năng suất 54,5 tấn/ha; mô hình máy cấy không người lái tại xã Định Liên, quy mô 1ha...

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp huyện Yên Định phối hợp với 16 xã, thị trấn triển khai 16 lớp tập huấn “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM” trên cây lúa xuân với 640 học viên tham gia (40 người/lớp). Cùng với đó, các tổ khuyến nông trên địa bàn huyện đã thực hiện tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường, tư vấn quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc đối với 100% sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện... Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn đã và đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ngoài ra, giai đoạn từ 2016 đến nay, huyện Yên Định đã và đang triển khai có hiệu quả 9 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng; trong đó có 3 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cà chua ghép và hoa (hoa cúc và dạ yến thảo) tại xã Yên Phong”, “Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn theo chuỗi giá trị tại huyện Yên Định” và “Ứng dụng KH&CN, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lóc (Channa striata) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Định”. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công các nhiệm vụ thuộc chương trình sở hữu trí tuệ như: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiêu chứng nhận “Tương Làng Ái” cho sản phẩm tương xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa” và “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cải Làng Lê" cho sản phẩm rau cải của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa”...

Thông qua nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, huyện đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được cải thiện đáng kể. Đồng thời giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện. Về mặt xã hội, các đề tài đã góp phần nâng cao mức sống của người dân nhờ thu nhập từ sản xuất nông nghiệp tăng lên, mức sống của người dân được cải thiện đáng kể; giảm tỷ lệ nghèo đói nhờ có việc làm và thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện để XDNTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm lợi thế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có tại địa phương; sản xuất theo quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích chưa cao. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm lợi thế trên địa bàn còn ít và chưa thật sự bền vững; nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định...

Để tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KH&CN, huyện Yên Định đang tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, quy mô lớn như sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; đấu mối với các vụ, viện, ngành chức năng lựa chọn đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô, chất lượng, giá trị tăng, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt là việc ứng dụng KH&CN để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của huyện đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nbsp-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-huyen-yen-dinh-218328.htm