Ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý và sản xuất
Hợp tác giữa các nhà khoa học với cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhận diện những thách thức cụ thể trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ tại địa phương; gợi mở những định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp đưa khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống, thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Phó GS. TS. Đỗ Phú Trần Tình đề xuất các chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ
Nội dung trên được các nhà khoa học trao đổi với lãnh đạo sở, ngành chức năng, doanh nghiệp tại hội thảo Các giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh, do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức mới đây. Phó GS. TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Lâm Đồng có thể học hỏi kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc trong thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ trong công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao”. TS Trần Tình đề xuất mô hình chính sách phù hợp cho Lâm Đồng, nhấn mạnh vai trò hạ tầng số, đổi mới sáng tạo, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực số cho các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch biển. Cùng với đó, PGS.TS Đặng Xuân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ mô hình Nhà máy tích hợp công nghệ cao như công nghệ enzyme, AI tối ưu hóa quy trình sản xuất; Blockchain tạo hệ thống truy xuất nguồn gốc; NFT bảo vệ sở hữu trí tuệ số, hỗ trợ chuyển nhượng công nghệ, thương mại hóa bản quyền; công nghệ chế biến phụ phẩm nông, thủy sản thành sản phẩm giá trị gia tăng (viên nang, mặt nạ, vật liệu bao gói sinh học).

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Eden Farm xã Hàm Thuận Bắc
Các chuyên gia đề xuất các nhóm chính sách quan trọng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ tại Lâm Đồng sau hợp nhất. Đó là xây dựng gói chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như miễn giảm tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho các dự án đầu tư vào công nghệ cao, chuyển đổi số tại các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh hợp tác với Ngân hàng Nhà nước khu vực thiết kế gói tín dụng ưu đãi, lãi suất không quá 5%/năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ, có thể được bảo lãnh tín chấp thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh. Đề xuất cơ chế giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đối với các doanh nghiệp triển khai thành công giải pháp công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
“Tỉnh cần thiết lập cơ chế 4 nhà gồm “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà khoa học” trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, theo hướng thành lập Hội đồng phát triển khoa học, công nghệ chuyên ngành do UBND tỉnh hoặc Sở Khoa học & Công nghệ làm đầu mối điều phối chiến lược nghiên cứu, ứng dụng theo từng lĩnh vực có tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch số bền vững. Việc xây dựng, thực thi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh là giải pháp căn cơ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế địa phương hướng đến tăng trưởng nhanh, bền vững”, Phó GS.TS. Đỗ Phú Trần Tình chia sẻ.
Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch biển, nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội lớn trong hợp tác, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ để triển khai vào sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà trong những năm tới.