Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống
Từ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị, hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trên toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vụ mùa năm nay, huyện Xuân Trường đã phối hợp với Công ty CP Bảo vệ thực vật 1 Trung ương... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Từ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị, hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trên toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vụ mùa năm nay, huyện Xuân Trường đã phối hợp với Công ty CP Bảo vệ thực vật 1 Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao Ngọc Châu ở xã Xuân Ninh. Đây là giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày trong vụ xuân, 100-105 ngày ở vụ mùa; có năng suất, chất lượng cao, đã được trồng khảo nghiệm nhiều vụ tại các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) và cho kết quả rất tốt. Khả năng thích ứng rộng với nhiều chân đất và vùng sinh thái khác nhau. Ngay ở vụ đầu tiên trên đồng đất Xuân Trường, giống lúa Ngọc Châu đã thể hiện những ưu điểm như có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít dịch bệnh hơn so với các giống lúa khác. Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, năng suất của lúa Ngọc Châu đạt khoảng 2 tạ/sào, cao hơn so với giống lúa BC15 và các giống lúa thường cấy khác trong vụ mùa; chất lượng gạo ngon, thơm và mềm cơm. Đồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: “Giống lúa Ngọc Châu đẻ nhánh khỏe, dễ canh tác, cứng cây, chống đổ tốt. Đặc biệt là có khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá trong vụ mùa. Đây là các yếu tố cấu thành năng suất, chất lượng gạo. Kết quả trình diễn sẽ là cơ sở để huyện bổ sung vào cơ cấu giống, khuyến nghị bà con nông dân nhân rộng vào những vụ tới”.
Thời gian qua, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng tiến bộ KH và CN vào hoạt động sản xuất và đời sống trên mọi lĩnh vực đã được các cấp chính quyền trong tỉnh chú trọng, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Hàng năm, Sở KH và CN hướng dẫn các huyện, thành phố tập trung kiện toàn Hội đồng KHCN cấp huyện để làm tốt chức năng đề xuất, thẩm định, nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KHCN. Thường xuyên tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý KHCN của các huyện, thành phố; tăng cường cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý KHCN cấp huyện tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về KHCN trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở với Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố trong triển khai kế hoạch hoạt động KHCN theo lĩnh vực chuyên môn. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động KHCN phân bổ các đề tài, dự án KHCN cấp huyện để giải quyết kịp thời những yêu cầu thực tế đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua thực tế thực hiện, các nhiệm vụ KH và CN đã được các huyện, thành phố bám sát định hướng nghiên cứu ứng dụng và được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường... đáp ứng được phần lớn các nhu cầu cần giải quyết ở mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, phát triển nghề mới, cải thiện vệ sinh môi trường. Huyện Mỹ Lộc đã phát huy hiệu quả nguồn nhân lực kỹ thuật KH và CN ở các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn trong xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội và lao động sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã đưa vào khảo nghiệm các giống lúa Hồng Đức 9, Kim Cương 111, Dự hương, Tám nhiệt đới, Nàng xuân…; đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống lúa hữu cơ tại xã Mỹ Tiến mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu gạo có truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị sản phẩm cho địa phương. Huyện cũng xây dựng thành công mô hình nông thôn mới nâng cao áp dụng các điểm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các thôn, xóm của 2 xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thành và từng bước nhân rộng trên địa bàn, qua đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống của nhân dân. Nổi bật trong ứng dụng KHCN của huyện Vụ Bản trong thời gian qua là việc xây dựng thành công các mô hình trình diễn: máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái tại xã Trung Thành; máy cấy cầm tay tại xã Minh Thuận; trồng lạc bằng máy tại xã Liên Bảo… Các địa phương đã chỉ đạo tổ chức cho nông dân tham quan để mô hình cơ giới hóa này học tập, nhân rộng ra đại trà, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHCN ở cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn do công nghệ sản xuất mới đòi hỏi chi phí đầu tư lớn trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp nông thôn còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp KHCN ở cơ sở còn “khiêm tốn” so với nhu cầu thực tiễn trong khi hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN ở các địa phương còn hạn chế. Lực lượng cán bộ chuyên trách về KHCN ở các huyện còn thiếu về số lượng và không ổn định nên công tác tham mưu cho Hội đồng KH và CN cấp huyện đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN trên địa bàn chưa thực sự hiệu quả. Để từng bước khắc phục các hạn chế này, thời gian tới, Sở KH và CN sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và phối hợp, phát huy các nguồn lực, tăng cường thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động KH và CN, phát động phong trào ứng dụng các thành tựu khoa học để KH và CN thực sự đi sâu vào sản xuất và đời sống, phục vụ hiệu quả sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh trong những năm tiếp theo.
Nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KH và CN, chú trọng ngay từ khâu lựa chọn đề xuất nhiệm vụ bảo đảm thực tế, khả thi, có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao KHCN vào sản xuất, đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương./.
Bài và ảnh:Ngọc Ánh