Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa điều trị thành công trường hợp bé trai 1 tháng tuổi đến từ tỉnh Gia Lai mắc dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu hiếm gặp.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi bị thận niệu quản đôi gây ứ nước thận, kèm theo khối sa niệu quản khổng lồ chiếm gần trọn bàng quang.

Trước đó, trong thai kỳ, mẹ bé đã được khám thai tại địa phương và phát hiện bất thường hệ tiết niệu với dấu hiệu ứ nước ở thận. Tuy nhiên, không ghi nhận bất thường vùng niệu quản dưới. Bé chào đời đủ tháng và được sinh thường, nhưng sau khi sinh, gia đình nhận thấy bé gặp khó khăn khi đi tiểu, nước tiểu thường đục, có mủ xanh và đôi khi bé bị sốt cao, bỏ bú. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nhiễm trùng tiểu nghiêm trọng.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, phát hiện dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu và khối sa niệu quản lớn gây tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng ứ nước thận và nhiễm trùng tiểu. Khi tình trạng nhiễm trùng của bé được kiểm soát, ê kíp bác sĩ do TS.BS Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu đã thực hiện nội soi niệu đạo bàng quang để xử lý khối tắc nghẽn.

Điểm đặc biệt trong ca phẫu thuật này là ứng dụng kỹ thuật tiên tiến mới, giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp truyền thống. Thông qua một kim luồn nhỏ đưa qua da trên xương mu vào bàng quang, các bác sĩ đã giữ cố định thành trước của nang niệu quản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xẻ nang chính xác và an toàn. Phương pháp này giảm nguy cơ tổn thương bàng quang, niệu quản và mạch máu xung quanh, đồng thời tăng hiệu quả điều trị.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, tình trạng nhiễm trùng cải thiện rõ rệt, chức năng thận trở lại bình thường. Bé được xuất viện sau 5 ngày với sức khỏe ổn định và bú tốt.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch nhận định, kỹ thuật mới này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt phù hợp với những trường hợp nang niệu quản lớn và phức tạp. Đây là một cải tiến quan trọng, giúp giảm thiểu xâm lấn và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhi.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 12-15 trường hợp mắc nang niệu quản, một dị tật bẩm sinh thường đi kèm thận niệu quản đôi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng tiết niệu tái phát, sỏi niệu quản, xơ thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ung-dung-ky-thuat-moi-trong-dieu-tri-di-tat-bam-sinh-o-tre-so-sinh-407953.html