Ứng dụng mã hóa trong kế toán: Không chỉ nhiều lợi ích mà dần trở thành yêu cầu
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc việc hiểu biết về mã hóa và ứng dụng trong hoạt động kế toán không chỉ mang đến nhiều lợi ích mà dần trở thành yêu cầu đối với kế toán viên chuyên nghiệp…
Dần trở thành nhu cầu của doanh nghiệp
TS Nguyễn Thị Phương Mai, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, xét về bản chất, viết mã là hành động viết một kịch bản bằng ngôn ngữ lập trình mà máy tính có thể hiểu được. Tập lệnh này sẽ yêu cầu máy tính thực hiện một tác vụ cụ thể.
Mã hóa được thực hiện bằng cách sử dụng một ngôn ngữ lập trình, trong đó có nhiều loại khác nhau. Các ngôn ngữ này nằm trong khả năng có thể đọc được của con người.
Theo Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), các ngôn ngữ lập trình tốt nhất cho lĩnh vực tài chính, kế toán hiện nay là Java, Python, C++, R, SQL, C#, MATLAB, Fortran and Julia3, trong đó nổi bật nhất là Python và chương trình R.
Python là một ngôn ngữ lập trình cấp cao được sử dụng rộng rãi với mục đích chung nhằm nhấn mạnh khả năng đọc mã, thường được sử dụng trong các lĩnh vực khoa học dữ liệu và tài chính.
R là một ngôn ngữ lập trình và môi trường cho tính toán thống kê và trực quan hóa, được sử dụng chủ yếu trong thống kê và phân tích dữ liệu. Cả hai đều hỗ trợ tất cả các phương pháp học máy (machine learning) hiện đại và thực hành trực quan hóa.
Python và R có các thư viện (“libraries” trong ngôn ngữ Python) và các gói (“packages” trong ngôn ngữ R) xử lý văn bản tốt và có thể xử lý các tệp lớn với tốc độ nhanh. Điều này giúp người sử dụng dễ dàng lấy dữ liệu “không sạch” để “làm sạch” trong một khoảng thời gian ngắn.
Việc hiểu các ngôn ngữ lập trình và mã hóa, chẳng hạn như SQL, R và Python, sẽ cho phép người dùng liên kết các tập dữ liệu quan hệ và các phần tử khác nhau trong cùng một cơ sở dữ liệu để đặt các tham số thích hợp nhằm tìm đúng nhóm ngang hàng để so sánh - một nhiệm vụ không thể thực hiện được nếu làm thủ công.
Khi dữ liệu được hiểu và trích xuất, các công cụ trực quan, chẳng hạn như Power BI và Tableau, có thể được sử dụng để lập bản đồ dữ liệu và thực hiện các báo cáo.
TS Nguyễn Thị Phương Mai nhấn mạnh: "Việc sử dụng các công cụ trên đòi hỏi kế toán viên phải có hiểu biết cơ bản về cách chúng hoạt động để thao tác với dữ liệu nhằm tạo ra các báo cáo phù hợp, tinh chỉnh kết quả và xây dựng hệ thống thông tin cung cấp các thông tin cần thiết cho việc ra quyết định".
Các kế toán viên thông thạo các ngôn ngữ lập trình, chẳng hạn như Python và R, có thể thiết kế các công cụ của riêng họ để tự động hóa việc trích xuất dữ liệu và tiết kiệm thời gian chuẩn bị báo cáo từ các dữ liệu đó. Quá trình phân tích cũng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn với các ngôn ngữ lập trình
“Chính vì thế việc hiểu biết về mã hóa và ứng dụng chúng trong công việc của kế toán viên chuyên nghiệp dần trở thành yêu cầu, đồng thời cũng mang đến nhiều lợi ích. Những hiểu biết này hỗ trợ tốt cho các cuộc trao đổi về chiến lược thông tin trong doanh nghiệp do hiểu rõ hơn về những gì cần xảy ra trong hệ thống”, chuyên gia Trường Đại học Ngoại thương nói.
Còn nhiều rào cản
Cho dù mã hóa được coi là một bộ kỹ năng có giá trị, giúp nâng cao giá trị của kế toán viên và mở rộng cơ hội nghề nghiệp nhưng hiện còn nhiều rào cản về mã hóa đối với kế toán viên.
Theo nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), vấn đề được đề cập nhiều nhất đối với việc viết mã là thiếu thời gian. Nhiều kế toán viên có thể không cần viết mã ngay lập tức trong công việc hàng ngày, vì vậy học viết mã không phải là công việc ưu tiên đối với họ.
Cùng với đó, các công cụ và ngôn ngữ lập trình liên tục thay đổi nên các kỹ năng học được có thể bị lỗi thời nhanh chóng. Đây là lo ngại phổ biến của những người không chuyên khi học mã hóa.
Còn nhiều rào cản về mã hóa đối với kế toán viên.
Trên thực tế, lợi ích quan trọng nhất đối với kế toán viên là làm quen với cách tư duy lập trình, tức là hiểu logic về cách hoạt động của mã hóa, cách phân tích kiểu “cây quyết định” (decision-tree type, nếu “x” xảy ra thì “y”) được thể hiện trong đoạn mã. Từ đó kế toán viên có thể hiểu được mối liên hệ của chúng đến việc ra quyết định kinh doanh hoặc các luồng quy trình. Đây là một kỹ năng mang tính khái quát, không phụ thuộc vào ngôn ngữ lập trình cụ thể đang được sử dụng là gì.
“Các ngôn ngữ luôn thay đổi, phát triển và dễ dàng bị thay thế bởi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, kỹ năng mà các kế toán viên nên hướng tới ở đây là hiểu các cấu trúc logic thay vì việc học cú pháp. Lĩnh vực kế toán có thể bị ảnh hưởng lớn từ sự phát triển của khoa học công nghệ, nếu kế toán viên quá quen với cách làm việc truyền thống, với các quy trình lặp đi lặp lại mà ngần ngại thay đổi, khám phá phương thức mới thì không chỉ khiến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm sút mà còn tự đào thải bản thân”, TS Nguyễn Thị Phương Mai cảnh báo.