Ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất sợi, tơ chuối
Sở Công thương tỉnh Kiên Giang vừa nghiệm thu đề án 'Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối' cho Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Kênh 10, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Đây là thiết bị sản xuất tơ chuối tiên tiến nhất hiện nay trên địa bàn huyện U Minh Thượng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 507 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hỗ trợ gần 254 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của hợp tác xã. Đề án gồm 4 máy là máy xẻ thân chuối, máy tách sợi thủ công, máy tách sợi tự động và máy làm sạch sợi. Máy có kết cấu nhỏ gọn, dễ di chuyển trong quá trình sử dụng, được làm bằng chất liệu thép mạ kẽm.
Máy vận hành đơn giản, thân chuối tươi được công nhân di chuyển vào máng đến vị trí dao cắt của máy xẻ dọc thân chuối thành từng bẹ nhỏ. Sau đó, công nhân chọn những bẹ chuối già đưa vào máy tách sợi thủ công. Máy dùng lực đập phần thịt của bẹ chuối và giữ lại phần sợi, công nhân kéo thanh chuối ngược lại để lấy tơ chuối ra.
Riêng máy tách sợi tự động thì người vận hành chỉ cần bỏ bẹ chuối lên băng tải, sợi chuối sẽ tự tách theo kích cỡ từ 1 đến 7cm. Đối với máy làm sạch sợi, người vận hành chỉ cần bỏ sợi chuối lên băng tải đầu vào thì sợi chuối tự động chạy qua dây chuyền làm sạch và ra ngoài.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Kênh 10, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) hiện đã có vùng nguyên liệu chuối tự trồng khoảng 47ha, ước tính cung cấp trên 150 tấn sợi/năm.
Bà Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Kênh 10 cho biết: “Cứ 100kg thân chuối tươi, hợp tác xã làm ra 8kg tơ chuối khô, giá bán sỉ 135.000 đồng/kg tơ khô. Nhờ ứng dụng máy móc tiên tiến, doanh thu của hợp tác xã sẽ tăng từ 3 lên 4,5 tỷ đồng/năm và lợi nhuận ròng sẽ tăng từ 168 lên hơn 281 triệu đồng/năm.
Hợp tác xã tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Hiện hợp tác xã đã thống nhất đầu năm 2024 sẽ ký hợp đồng bán 10 tấn tơ chuối/tháng cho 1 công ty chuyên xuất khẩu tơ chuối sang châu Âu”.
Cây chuối được trồng chủ yếu ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), tại 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, với diện tích trên 1.460ha, chiếm 92% tổng diện tích chuối toàn tỉnh. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất tơ chuối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang Võ Tuấn Kiệt cho biết năm 2023, trung tâm đã hỗ trợ 11 cơ sở, tổng kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trong đó có đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối tại Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Kênh 10.
Mục tiêu chính là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Hướng tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua các sản phẩm của hợp tác xã.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Do chất nước, thổ nhưỡng tại vùng U Minh Thượng nên chất lượng tơ chuối rất cao. Màu sắc tơ có độ vàng óng ánh tự nhiên, tơ chuối sáng, bóng, dai chắc. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ Kênh 10 đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp”.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM