Ứng dụng nguyện thứ 3 trong 12 đại nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

Đức Dược Sư không chỉ cứu chữa về mặt thể xác, mà còn giúp chúng sinh, khai mở trí tuệ và có tâm từ bi, sống hòa hợp với tự nhiên và chân lý.

Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, là vị Phật biểu trưng cho từ bi và trí tuệ, chuyên cứu độ chúng sinh thoát khỏi bệnh tật, khổ đau và mê lầm. Khi còn hành Bồ tát đạo, Ngài đã phát mười hai đại nguyện, nhằm mang lại an lạc cho tất cả chúng sinh.

Mỗi lời nguyện, đều nói rõ sự mong cầu của chúng sinh, được thành tựu đầy đủ, cứu vớt nổi khổ, trị lành các căn bệnh của chúng sinh, sau sẽ được thành Phật. Đây là lời nguyện thực tiễn của Ngài. Thông thường mọi người xưng niệm “Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật”, nhân vì Ngài hay trừ sạch căn bệnh sinh tử, cho nên gọi là Dược Sư, soi chiếu xóa tan sự tăm tối của chúng sinh trong ba cõi:

“Lòng từ thương xót vớt mê tình
Độ thoát trần gian khắp chúng sinh
Ban cho thuốc pháp trừ tai chướng
Dốc lòng cúi lạy đấng uy linh

Vì vậy, Nguyện thứ ba, là nguyện chữa lành bệnh tật, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với chúng sinh trong cõi Sa Bà. Nguyện này không chỉ giúp con người vượt qua bệnh tật về thân, mà còn chữa lành tâm bệnh, giúp họ sống đời an lạc và hướng đến giác ngộ.

Trong bản dịch của Ngài Huyền Trang (Đời Đường), nguyện thứ ba được ghi lại như sau: “Nguyện cho chúng sinh, nếu bị các chứng bệnh khổ, không có ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không thầy thuốc, không thuốc men, không người chăm sóc, không có đủ phương tiện để chữa trị, thì do sức uy thần của ta, khiến tất cả đều được giải thoát khỏi bệnh khổ, có thân thể khỏe mạnh, an lạc, đạt đến đạo quả Bồ Đề.

Còn trong kinh Dược Sư, của dịch giả Bồ tát giới Tuệ Nhuận, thì Nguyện thứ 7. Vậy, chúng ta bằng cách trì tụng Kinh Dược Sư, niệm danh hiệu Ngài, thực hành hạnh bố thí thuốc men và sống thiện lành, mỗi người đều có thể tiếp nhận năng lượng chữa lành từ Ngài, đồng thời góp phần làm giảm bớt đau khổ cho bản thân và tha nhân.

1.Ý nghĩa và nguồn gốc tên Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

1.1 Ý nghĩa Dược Sư

Dược Sư Như Lai, tiếng Phạn gọi là: Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah. Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai, là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau. Chính vì bổn nguyện thanh tịnh như vậy, nên ánh sáng trong suốt, thanh khiết (Lưu Ly Quang). Tên gọi đầy đủ của Ngài là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.

Dược sư, nghĩa đen là thầy thuốc chữa bệnh. Lưu ly là một loại ngọc màu xanh trong suốt. Quang là ánh sáng. Lưu ly quang là ánh sáng ngọc lưu ly. Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, là vị Phật có danh hiệu Thầy thuốc chữa bệnh, ánh sáng như ngọc lưu ly.

Đức Dược Sư, hiểu biết và thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, Ngài còn chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não của chúng sinh gây ra.

Ánh sáng của Phật Dược Sư thật không nghĩ bàn “Trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bẩn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng ấy, chiếu đến đâu đều phá hết tăm tối vô minh của chúng sinh, đem lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sinh, xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát.

1.2 Nguồn gốc kinh Dược Sư

Kinh Dược Sư, được truyền vào Trung Quốc, là do Bạch Thi Lợi Mật đem “Phật Thuyết Quán Đỉnh Bạt Trừ Quá Tội Sinh Tử Kinh” dịch ra. Đến đời Lưu Tống, ngài Huệ Giản dịch ra “Lưu Ly Quang Kinh” 1 quyển. Vào đời Tùy, Ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch ra “Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh” 1 quyển. Đến Đời Đường, ngài Huyền Trang dịch ra “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh” 1 quyển. Vì trong nội dung kinh, đã nói lên ý nghĩa Phật Dược Sư, hay trị được trăm bệnh khổ não chúng sinh, giải trừ mọi sự đau đớn bệnh tật và kéo dài tuổi thọ, vì vậy mà được mọi người trong xã hội kính chuộng mà thọ trì.

Ảnh Phật Dược Sư (sưu tầm)

Ảnh Phật Dược Sư (sưu tầm)

2.Ý nghĩa và nguồn gốc nguyện thứ ba

2.1.Ý nghĩa nguyện thứ ba

a.Bệnh tật là nỗi khổ lớn nhất của chúng sinh

Bệnh tật, đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo, không chỉ gây đau đớn về thể xác, mà còn khiến tâm hồn con người chìm trong lo âu, sợ hãi và tuyệt vọng. Trong Phật giáo, bệnh tật là một trong bốn nỗi khổ lớn mà chúng sinh phải chịu đựng trong vòng sinh tử luân hồi.

Phật Dược Sư, vì chúng sinh hiện đời cầu an lạc, còn Phật A Di Đà lại tiếp bước chúng sinh vãng sinh về Cực Lạc. Tuy nhiên dù là vãng sinh Tây phương, hay tu tập pháp môn gì, đều phải có thân tâm mạnh khỏe, mới có thể thực hành tu trì Phật pháp.

Nhân vì chúng sinh có tham sân si, nhiều loại phiền não làm rối loạn thân tâm, từ đó mà sinh ra các loại phiền não bất đồng, do vì chúng sinh có nhiều phiền não bệnh, nên phương thuốc trị bệnh cũng có nhiều loại, khiến cho bệnh khổ chúng sinh được tiêu trừ.

Nguyện lực của Phật Dược Sư, là diệt trừ những phiền não khiến cho chúng sinh thoát khỏi những bệnh tật, tiêu trừ đau khổ, hết tai nạn. Bệnh tật không chỉ là sự suy yếu của thân thể, mà còn làm cho tinh thần con người trở nên bất ổn, làm mất đi khả năng sống an vui và thanh tịnh. Chính vì vậy, việc chữa lành bệnh tật, là một trong những công đức lớn, mà đức Dược Sư nguyện đem lại cho chúng sinh.

b.Chữa lành không chỉ là về thân thể mà còn về tâm hồn

Nguyện này không chỉ ám chỉ việc chữa lành bệnh về thân thể, mà còn bao gồm việc chữa lành những bệnh tật tâm lý như: lo âu, sợ hãi, giận dữ, tham lam và phiền não.

Theo Phật giáo, những phiền não trong tâm của chúng sinh (tham, sân, si) là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật, vì tâm không yên ổn, không hòa hợp với tự nhiên, dễ sinh ra những vấn đề về thân thể. Khi tâm an lạc, thân thể cũng được chữa lành và trở nên khỏe mạnh.

c.Chữa lành bệnh tật giúp chúng sinh có cơ hội tu hành

Bệnh tật là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự tu hành. Khi thân thể đau ốm, người ta khó có thể tập trung vào việc hành thiền, trì tụng, hoặc thực hiện các thiện pháp. Do đó, việc chữa lành bệnh tật không chỉ giúp chúng sinh có sức khỏe để sống an lành, mà còn giúp họ có cơ hội tu hành, đạt được giác ngộ, và cuối cùng là giải thoát khỏi sinh tử. Chính vì vậy, đức Dược Sư, nguyện cứu giúp chúng sinh khỏi bệnh tật, giúp họ có thể sống khỏe mạnh, tinh tấn trong việc tu tập.

2.2.Tâm từ bi và sự gia hộ của đức Dược Sư

Đức Dược Sư với nguyện thứ ba không chỉ phát nguyện giúp chúng sinh thoát khỏi bệnh tật, mà còn thể hiện lòng từ bi vô hạn, mong muốn chúng sinh trong cõi Sa Bà có một đời sống khỏe mạnh và an vui, để có thể tinh tấn tu hành, làm phúc và đạt được sự giải thoát. Từ bi của Ngài không chỉ giới hạn trong phạm vi chữa bệnh thân thể, mà còn mở rộng đến việc hướng dẫn chúng sinh, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tâm hồn và cả những khổ đau tinh thần.

2.3.Mối liên hệ giữa bệnh tật và nghiệp

Trong Phật giáo, bệnh tật thường được xem là hậu quả của những nghiệp xấu trong quá khứ, và việc chữa lành bệnh tật là một phương pháp để tiêu trừ nghiệp chướng, tạo công đức. Nguyện thứ ba của đức Dược Sư, cũng nhấn mạnh vào việc giúp chúng sinh vượt qua những nghiệp quả bệnh tật, khổ đau, và từ đó có thể cải thiện đời sống và tu tập một cách thuận lợi hơn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã giới thiệu cho chúng ta biết thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, cùng những công hạnh và nguyện lực rộng lớn của Ngài. Cảnh giới tịch tịnh yên vui, còn cảnh giới địa ngục khổ não chỉ ở trước mắt chúng ta. Cho nên, có tâm niệm ác, thì sẽ gây nghiệp ác và chịu quả báo ác; còn có tâm niệm thiện lành, thì sẽ gây nghiệp thiện lành và được hưởng quả an vui.

Vì vậy, tất cả niềm vui, nỗi khổ đều do tâm niệm tạo nên. Khi bệnh tật được chữa lành, nghiệp xấu cũng được tiêu trừ, giúp chúng sinh có cơ hội để thay đổi cuộc sống, tiến về phía giác ngộ.

Hình ảnh minh họa 12 đại tướng Dược Xoa tượng trưng cho 12 đại nguyện củ đức Phật Dược Sư.Ảnh sưu tầm

Hình ảnh minh họa 12 đại tướng Dược Xoa tượng trưng cho 12 đại nguyện củ đức Phật Dược Sư.Ảnh sưu tầm

3.Nguồn gốc của nguyện thứ ba

Nguyện thứ ba của đức Dược Sư, được ghi lại trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh, là một trong những bộ kinh quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Kinh này, được truyền vào Trung Hoa từ Ấn Độ, và được dịch bởi các đại sư, trong đó nổi bật là dịch phẩm của Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII. Kinh Dược Sư kể về Đức Phật Dược Sư và 12 đại nguyện của Ngài, trong đó nguyện thứ ba rất được chú trọng, bởi sự quan tâm đến sức khỏe và an lạc của chúng sinh.
Nguyện này, thể hiện sâu sắc lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật Dược Sư, như là phương pháp cứu khổ cho tất cả chúng sinh, giúp họ có thể sống một đời an lành, không bị chi phối bởi bệnh tật và phiền não.

4.Lịch sử và ứng dụng thực hành nguyện thứ ba trong đời sống

4.1.Lịch sử

Thời đức Phật Thích Ca: Khi đức Phật còn tại thế, có nhiều trường hợp Ngài đã dạy cách sử dụng thiền định và thần lực để chữa bệnh, tương tự như hạnh nguyện của đức Dược Sư.

Thời Trung Hoa: Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều vị cao tăng đã truyền bá pháp môn trì tụng Kinh Dược Sư, để cầu nguyện tiêu trừ bệnh dịch, điển hình là Ngài Thiên Thai Trí Khải Đại Sư.

Thời hiện đại: Nhiều tự viện trì tụng Kinh Dược Sư trong các khóa lễ cầu an, nhất là trong các đợt dịch bệnh như đại dịch COVID-19.

4.2.Ứng dụng trong đời sống

a.Trì tụng Kinh Dược Sư: Nhiều Phật tử thực hành trì tụng Kinh Dược Sư hàng ngày để cầu nguyện sức khỏe và tiêu trừ bệnh tật.

b.Niệm danh hiệu “Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật” để giúp thân tâm thanh tịnh, tăng cường năng lượng chữa lành.

c.Hành thiện, giúp đỡ người bệnh: Đúng với tinh thần nguyện thứ ba, Phật tử phát tâm giúp đỡ bệnh nhân, hỗ trợ y tế, bố thí thuốc men.

d.Ứng dụng y học kết hợp với Phật pháp: Ngày nay, có nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu ứng dụng thiền định, niệm Phật và trì chú trong việc điều trị bệnh.

5.Thực hành trì tụng kinh chú “Dược Sư Đà La Ni

Nguyện thứ ba, trong 12 đại nguyện của đức Dược Sư, là một trong những lời nguyện quan trọng nhất, thể hiện sự từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh trong cõi Sa Bà. Cho nên, trong Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức, dịch giả Bồ tát giới Tuệ Nhuận, trang 40-41: “Này Mạn Thù Thất Lợi! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, khi chưa chứng được đạo Bồ Đề, do sức bổn nguyện, mà Ngài quan sát biết chúng hữu tình, gặp phải các thứ bệnh khổ như da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt thương hàn”

Vì muốn những bệnh khổ ấy được tiêu trừ, và lòng mong cầu an lạc của chúng hữu tình được mãn nguyện, nên Ngài liền nhập định tên là “Định diệt trừ tất cả khổ não cho chúng sinh”. Khi Ngài nhập định, từ trong nhục kế phóng ra luồng ánh sáng lớn, trong luồng ánh sáng ấy nói chú Đại Đà La Ni : “Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly bác lặc bà, hắc ra xà giả. Đát tha yết đa gia, a ra hắc đế. Tam miệu tam bột Đà gia, dát điệt tha, Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha!!”

Như vậy, công đức đọc tụng, hành trì chú Dược Sư rất vi diệu. Chúng ta có thể gặt hái những thành quả tốt đẹp ngay trong hiện tại. Bời vì, đó là, những âm thanh của Chư Phật nói ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp điệu rung chuyển của làn sóng quang minh trong tâm thức chúng sinh. Từ đó, niềm tin được vững chắc, chí nguyện được viên mãn, chính là nhờ công đức bất khả tư nghì của bổn nguyện Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thông qua việc trì tụng Kinh Dược Sư, hành thiện và thực hành chính niệm, chúng ta có thể ứng dụng nguyện thứ ba, để giảm bớt bệnh tật, khổ đau và tìm thấy sự bình an trong cuộc sống.

5.1.Trì tụng Kinh Dược Sư

Một trong những phương pháp ứng dụng quan trọng, để cầu nguyện chữa lành bệnh tật là trì tụng Kinh Dược Sư. Kinh này không chỉ có tác dụng giúp chúng sinh phòng ngừa và chữa trị bệnh tật, mà còn giúp chúng sinh khai mở trí tuệ, để được có tâm an lạc. Thế nên:

Lòng từ tế độ khắp tam thiên
Trăm ngàn ức kiếp Đại Y Vương
Thường đem mắt tuệ soi phàm tục
Chúng sinh mong cầu thảy hiện tiền”.

Trong nghi thức trì tụng, người hành trì sẽ niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật để được Ngài gia hộ.

Thần chú Dược Sư, là một trong những câu thần chú được trì tụng nhiều nhất, bởi công năng bất khả tư nghì, mà đã đem lại cho hành giả khi trì tụng, có một nguồn năng lực để chữa lành bệnh tự thân, và còn có công năng chữa lành bệnh cho người khác. Quan trọng hơn là khả năng tịnh hóa những nghiệp bất thiện trong quá khứ.

Bất luận người xuất gia hay cư sĩ tại gia, nếu tu tập, trì tụng kinh Dược Sư, nhớ nghĩ hình tượng hoặc niệm danh hiệu của Ngài, đều có thể vượt qua tất cả nguy hiểm, như bị giam cầm lao ngục được an vui tự tại. Bởi vì, đức Phật Dược Sư với tâm đại bi, vị tha vô lượng, bằng mọi phương tiện muốn làm lợi lạc cho chúng sinh, muốn thành tựu mọi sở nguyện cho những ai biết đến và thường tôn xưng danh hiệu của Ngài, đó không chỉ là một điểm tựa tinh thần vững chắc, mà còn là con đường đưa tới an lạc, chấm dứt khổ đau.

5.2.Thực hành chính niệm và sống lành mạnh

Ngoài việc trì tụng Kinh Dược Sư, người Phật tử còn có thể thực hành chính niệm để giữ tâm an tĩnh, tránh những căng thẳng và lo âu không cần thiết, từ đó giúp tâm hồn khỏe mạnh. Việc giữ gìn sức khỏe qua chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, và tránh xa những thói quen xấu như nghiện rượu, thuốc lá cũng là cách thực hành theo nguyện thứ ba.

Đông phương Giáo chủ Đại Y Vương
Tiêu Tai Diên Thọ bảo an khang
Dược Sư Hải hội Dược Vương Thượng
Thất Phật Như Lai phương hộ trì.”

Vậy, hạnh nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Vì Ngài là biểu thị cho chân lý và nhân cách hoàn mỹ, là bậc giác ngộ thành tựu Phật quả, làm giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly. Nhưng trong thời đại ngày nay, ít có người thực hành, phát nguyện “theo dấu chân xưa” của đức Phật Dược Sư. Vì sao ? Đa phần, niềm tin bị hạn chế, bởi vì mọi người đặt nặng vấn đề vật chất lên trên đời sống tinh thần. Dù hàng ngày có trì niệm đọc tụng kinh Dược sư, nhưng hiệu quả rất thấp, đó là vì mọi người không thành tâm thành ý.

Bởi vì, mỗi hạnh nguyện có một công năng đặc thù, trong đời này, bất cứ ai, khi có tín tâm rồi, thì phát nguyện vào cuộc sống, để phát huy công đức lành của tự tâm, đưa tâm mình thể nhập chân lý tuyệt đối.

5.3.Cầu nguyện và hành động từ thiện

Chúng ta thực hành hạnh nguyện thứ ba của đức Dược Sư, bằng cách giúp đỡ người bệnh. Ngoài việc cầu nguyện, những hành động như giúp người nghèo, giúp đỡ những người mắc bệnh hiểm nghèo, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, hoặc là những nơi tổ chức các chương trình y tế cộng đồng, cũng là một cách thực hành hạnh từ bi. Cho nên, mọi người phải phát huy những hạnh lành, tu hành tinh tấn chứng được đạo vô thượng Bồ Đề, trong kinh Dược Sư có bài kệ:

“Hạnh nguyện của Phật khó nghĩ bàn
Đưa hết chúng sinh lên cõi tịnh;
Muốn lên phải tụng và phải tu
Bỏ hẳn đường tà, theo đường chính”.

Vì hạnh nguyện là món ăn tinh thần của mỗi hành giả, bởi vì chúng ta thường quan niệm “sống phải có ý nghĩa, tu phải có hạnh nguyện”. Điều đó chứng tỏ trong việc mong cầu hạnh phúc, an vui người Phật tử không thể thiếu hiểu biết, niềm tin và hạnh nguyện.

Bởi vì, hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư, thực sự ảnh hưởng rất sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của mọi người nói chung, người đệ tử Phật nói riêng. Những hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư, được ví như là những phương thuốc đặc trị tâm bệnh của chúng sinh.

Như vậy, đối với hàng xuất gia và tại gia trong cuộc sống hiện thực, không thể không thực hành những hạnh nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Hạnh nguyện độ sinh của đức Dược Sư, với bao năng lực huyền bí, để tế khổ bảo an, như chiếc thuyền “Từ” luôn sẵn lòng “vị tha vô ngã” để chuyên chở bao chúng sinh, từ bể khổ lầm than, đến bờ giác ngộ, giải thoát.

6.Kết luận

Đức Phật Dược Sư, là vị Đạo sư đầy đủ diệu pháp, diệu dược, có khả năng hóa giải mọi khổ đau chúng sinh. Qua mười hai hạnh nguyện, cũng như sự thành tựu viên mãn nguyện thứ ba của đức Dược Sư, “Nguyện chữa lành bệnh tật cho chúng sinh,” không chỉ là một lời nguyện về việc chữa trị bệnh tật về thân thể, mà còn mang hàm ý sâu sắc về việc chữa lành những khổ đau trong tâm hồn.

Cho nên, mỗi lời nguyện đều nói lên mục đích, là giải phóng khổ đau cho tất cả chúng sinh. Vì, chúng sinh là đối tượng để Bồ tát thực hiện viên mãn về hạnh nguyện. Hơn nữa, theo quan niệm của Phật giáo, sự thành tựu mỗi vị Phật, ngoài yếu tố hạnh nguyện, mục đích, bước tiếp theo còn phải cụ thể hóa bằng hành động.

Chính hành động lợi mình lợi người, mới là điều kiện căn bản để trang nghiêm cho báo thân Phật (chính báo) và cõi nước (y báo) đạt đến hoàn bị. Và khi còn ở lộ trình tu nhân, đức Phật Dược Sư đã thể hiện được điều đó, cho nên, cảnh giới tịnh độ của Ngài, là một mô hình lý tưởng cho chúng ta noi gương, tu học.

Cho nên, nguyện này mang lại hy vọng và phương tiện cứu độ cho chúng sinh, giúp họ vượt qua khổ đau, bệnh tật, và có thể sống một đời sống an lạc, tiến bước trên con đường tu hành và giải thoát.

Đức Dược Sư không chỉ cứu chữa về mặt thể xác, mà còn giúp chúng sinh, khai mở trí tuệ và có tâm từ bi, sống hòa hợp với tự nhiên và chân lý. Ngài đã cho chúng ta nhiều bài học thực tiễn trong con đường tu tập và hành đạo Bồ tát.

Không phải là những lời nguyện hứa, mà còn là phương pháp thực hành, để mỗi người tu học theo hạnh nguyện từ bi và trí tuệ của Ngài, giúp tự thân của mỗi người, chuyển hóa khổ đau thành an lạc, giải thoát, biến cõi Trần gian thành Tịnh độ huy hoàng.

Nam Mô Đông Phương Giáo Chủ Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật thùy từ chứng minh.

Tài liệu tham khảo

“Kinh Dược Sư”, dịch giả Huyền Trang, in trong Đại Tạng Kinh.

“Kinh Dược Sư Giảng Giải”, HT. Thích Trí Quang, NXB Phương Đông, 1999.

“Dược Sư Pháp Môn”, HT. Tuyên Hóa, NXB Thiện Tri Thức, 2000.

“Nghi Thức Trì Tụng Kinh Dược Sư”, Giáo Hội Phật Giáo VN, NXB Hồng Đức, 2012.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ung-dung-nguyen-thu-3-trong-12-dai-nguyen-cua-duc-duoc-su-luu-ly-quang-nhu-lai.html