Ứng dụng thành công Bộ bản đồ rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu
Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á đã xây dựng, ứng dụng thành công Bộ bản đồ rủi ro, lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chiều ngày 26/10 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổng kết Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (Chương trình).
Khởi động tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2013, Chương trình đã triển khai các hoạt động thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu để giải quyết tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Với sự điều phối của Văn phòng tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, Chương trình đã phối hợp với các đối tác tại Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển mô hình nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp trong khu vực. Kết quả nổi bật của Chương trình là việc xây dựng và ứng dụng thành công Bộ bản đồ rủi ro và lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhấn mạnh nông nghiệp thông minh với khí hậu là phương pháp tiếp cận nhằm đạt được sự kết hợp hài hòa giữa năng suất cây trồng, sự thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả ứng dụng Bộ bản đồ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần điều chỉnh lịch xuống giống, giúp nông dân tránh được các tác động bất lợi của hạn hán, mặn xâm nhập thường diễn ra trong các vụ lúa Đông Xuân.
Ông Cường nhấn mạnh: “Vấn đề biến đổi khí hậu mang tính chất toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, cùng chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu, khoa học công nghệ, từ đó có những giải pháp thích ứng phù hợp nhất với vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt trong nông nghiệp”.
Tiến sĩ Bjoern Ole Sander, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tếtại Việt Nam chia sẻ: “Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong ngành lúa gạo. Chúng tôi tự xây dựng các công cụ trên cơ sở sử dụng các dữ liệu để tính toán và nghiên cứu khả năng triển khai các kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ và rút nước giữa vụ”. Cụ thể, các sáng kiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng năng suất và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, xử lý rơm rạ và quản lý sau thu hoạch đã được nhân rộng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ hàng nghìn nông dân sản xuất và nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các công cụ đã phát triển sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng hệ thống đo lường, báo cáo, kiểm định phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hỗ trợ hoạch định chính sách giúp Việt Nam đạt được cam kết về giảm thiểu phát thải trong nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, Chương trình đã có nhiều hỗ trợ về chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp cho Việt Nam. Điển hình là hỗ trợ hoàn thiện và đề xuất Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp đầu vào cho Chiến lược “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững và Quy hoạch tổng thể về lúa gạo”, đóng góp cho các đề xuất của Việt Nam vào Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc năm 2021.