Ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Nhiều nội dung, chủ đề làm thế nào để áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật số...vào quy trình giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo đã được thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm 'Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo', ngày 14/5 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc EON Reality Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Hồng Châu)

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc EON Reality Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Hồng Châu)

Tọa đàm do Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam - nhà cung cấp chuyên về giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo tổ chức, với sự tham gia của đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia trong ngành cùng đại diện một số trường đại học, cao đẳng và khối dạy nghề trên toàn quốc.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc EON Reality Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, có vai trò rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Xác định rõ tầm quan trọng và tiềm năng mà xu thế chuyển đổi số mang lại, Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để khai thác triệt để các cơ hội này.

Theo báo cáo, quy mô thị trường thực tế ảo toàn cầu được ước tính sẽ đạt 62,1 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và phát triển doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 9,5 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường toàn cầu về thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong đào tạo và phát triển doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2025. Tiềm năng thị trường cho công nghệ này là rất lớn vì nó có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhau.

Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, tự hào là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, được lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng trong việc giảng dạy, theo dòng chảy và xu thế của chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục.

“Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay, lựa chọn được đối tác tiềm năng, tin cậy để đồng hành, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đồng hành với Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam để đưa Học viện trở thành một trong các đơn vị đào tạo ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy và học tập”, PGS.TS Trần Quang Anh nói.

Còn theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu ngành nghề sẽ thay đổi như thế nào? Liệu yêu cầu về trình độ kỹ năng của người lao động sẽ thay đổi như thế nào? Những câu hỏi này luôn được các nhà nghiên cứu về việc làm, giáo dục đặt ra. Bên cạnh đó, luôn có sự nghi ngờ rằng: Liệu có phải con người đang bị mất việc làm hay không?

Ông Bình nhìn nhận, trên thực tế, một số cuộc cách mạng công nghiệp ở nước ta đều chứng minh được rằng khi bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp mới thì nhiều việc làm, nhiều kỹ năng sẽ mất đi, kèm theo đó là rất nhiều việc làm, kỹ năng mới xuất hiện với một giá trị gia tăng cao hơn, cơ hội việc làm lớn hơn.

“Những yêu cầu này thay đổi rất nhanh chóng. Có thể ngày xưa 1-3 năm mới cần thay đổi lại công nghệ, nhưng hiện công nghệ diễn ra với tốc độ có khi chỉ tính bằng hằng tuần, hằng tháng”, ông Bình dẫn chứng. Vì vậy, ông Bình cho rằng cần phải tận dụng được lực lượng lao động hiện có, biến lực lượng này trở thành nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu mới.

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm "Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo". (Ảnh: Hồng Châu)

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm "Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục & đào tạo". (Ảnh: Hồng Châu)

Trao đổi xung quanh chủ đề khai phá tiềm năng ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Dan Lejerskar - Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu cho biết, thế hệ tiếp theo của các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) sẽ nhanh hơn 100 lần so với các thế hệ trước.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ vượt qua trí tuệ của con người ở phần lớn nhiệm vụ liên quan đến công việc trong vòng từ 3 - 5 năm tới. Sự phát triển nhanh của công nghệ AI có thể tác động lớn đến cuộc sống của con người.

Kết quả một nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố cho thấy, trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến 60% việc làm ở các nền kinh tế phát triển. Ông Dan Lejerskar cho rằng, AI có thể mang đến một tương lai vô cùng tiềm năng, tuy nhiên, sẽ cần một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, có thể kéo dài từ 5 đến 7 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào hành động của các chính phủ, giới học thuật và doanh nghiệp.

Tập đoàn EON Reality Toàn cầu là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại California, Mỹ, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo với mạng lưới toàn cầu hiện tại lên đến 2,4 triệu người đăng ký ở hơn 110 địa điểm ở nhiều quốc gia khác nhau.

Các sản phẩm được phát triển bởi EON Reality đã và đang được tin dùng bởi nhiều chính phủ, doanh nghiệp và trường học, nổi bật trong đó là Chính phủ Romania (Đề án cách mạng hóa giáo dục và đào tạo), Tập đoàn Boeing, Airbus, Singtel, Samsung, Audi, Shell, Exxon Mobil; Coca Cola, FIFA, Đại học Louisiana, Đại học East London, Trường cao đẳng cộng đồng Eastern Iowa, ITE Singapore…

Ngay tại Tọa đàm, ông Dan Lejerskar cũng trình diễn việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo thông qua nền tảng EON-XR, cho thấy hiệu quả của sử dụng Metaverse và AI trong việc cải thiện chất lượng bài giảng của các giảng viên.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Hồng Châu)

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Hồng Châu)

Cũng trong ngày 14/5, EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết hợp tác chiến lược ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và giảng dạy, đưa giáo dục Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.

Việc hợp tác chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, mang đến những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.

Theo đó, ứng dụng nền tảng EON-XR của EON Reality Việt Nam sẽ được tích hợp vào công tác giảng dạy và học tập tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nền tảng này cung cấp các công cụ VR, AR và AI mạnh mẽ, giúp mô phỏng các môi trường học tập thực tế, tăng cường tương tác và thu hút người học, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức.

EON Reality Việt Nam cũng hợp tác xây dựng giải pháp trường đại học số, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Giải pháp này sẽ bao gồm các ứng dụng VR, AR, AI trong giảng dạy, quản lý sinh viên, đánh giá kết quả học tập...

EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ hợp tác sản xuất các nội dung học tập VR, AR chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học; hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhất như VR, AR, AI, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo; hợp tác tổ chức các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo... để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số trong giáo dục.

Đặc biệt, tại buổi lễ ký kết, hai bên đã chính thức công bố hợp tác cùng đầu tư, thiết lập Trung tâm Trí tuệ nhân tạo không gian (Spatial AI Center) đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đặt trụ sở tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và được trang bị các phòng lab, các thiết bị VR, AR, AI tiên tiến nhất nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo - giảng dạy.

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ung-dung-thuc-te-ao-thuc-te-tang-cuong-tri-tue-nhan-tao-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-271038.html