Ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng
Xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An được chọn làm điểm thực hiện mô hình Sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng tia laser do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai trong vụ Hè Thu năm 2024.
Chương trình hỗ trợ 50% chi phí thuê dịch vụ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser với định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/ha; đồng thời, hỗ trợ 50% chi phí lúa giống từ cấp xác nhận trở lên với các giống lúa như ST24, ST25, OM18, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9,...
Cách thức hoạt động của kỹ thuật này dựa trên bộ phát cố định và bộ thu di động. Khi thi công, cán bộ kỹ thuật đặt bộ phát tại một góc ruộng; bộ thu được đặt trên máy chạy khắp mặt ruộng. Hai thiết bị này liên kết với nhau bằng cảm biến. Khi phát hiện chỗ đất nào nhô cao, máy sẽ tự động hạ gàu để lấy phần đất đó, tới chỗ trũng thì hạ gàu xuống và trải đều ra. Trung bình, tốn từ 8-10 giờ để san phẳng 1ha đất. Sau khi hoàn thành, mặt ruộng đạt độ phẳng khoảng 90%, đất trở nên tơi xốp hơn. Sau 3-4 năm canh tác, nông dân có thể san phẳng lần 2 với chi phí và thời gian ít hơn. Nhược điểm của kỹ thuật này là chỉ có thể tiến hành trên đất ruộng đã xới, phơi nắng khô từ 3-5 ngày, nếu đất ướt thì sẽ bị dính vào gàu, không thể thi công. Đất ruộng cũng phải sạch, rơm rạ trên đất phải được đốt cháy hết thì gàu mới gom được đất.
Có 6.000m2 đất ruộng nằm trong chương trình hỗ trợ lần này, ông Nguyễn Văn Lý (ấp 8, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Ruộng của tôi trước đây chỗ cao, chỗ trũng. Mỗi lần muốn san phẳng thì chỉ có cách bơm nước vô ruộng rồi canh theo mực nước nhưng cũng không ăn thua. Khi được hỗ trợ trong chương trình này, tôi rất vui. Nếu tính ra, chi phí san phẳng ruộng bằng kỹ thuật này còn rẻ hơn nhiều so với tiền bơm nước, công nhổ cỏ”. Theo Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 8 (xã Nhựt Chánh) - Nguyễn Văn Bé, khi thấy mô hình hiệu quả, nhiều hộ dân đã đăng ký thi công cho ruộng của mình để kịp mùa mưa. Người dân chấp nhận trả chi phí cao hơn vì thấy được lợi ích.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Chánh - Nguyễn Trung Dũng cho biết: “Khi mô hình Ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng được triển khai, đa số nông dân rất phấn khởi, ủng hộ vì thấy hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống”. Mong rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có nhiều chương trình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển của địa phương./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ung-dung-tia-laser-trong-san-phang-mat-ruong-a177575.html