Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền thông: AI chỉ là công cụ hỗ trợ, vấn đề của nhà báo là tìm nhu cầu thực sự của người đọc

Tuy mang lại tiện lợi, hỗ trợ báo chí tiếp cận độc giả, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và nguồn lực thì trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn khiến nhiều người e ngại.

Tọa đàm "Ứng dụng AI trong truyền thông" diễn ra bằng phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh: Diệu Linh)

Tọa đàm "Ứng dụng AI trong truyền thông" diễn ra bằng phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh: Diệu Linh)

Ngày 14/6, nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong truyền thông.

Sự kiện diễn ra cùng lúc tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của người Đồng sáng lập Splice Media Rishad Patel (tham dự trực tuyến từ Bồ Đào Nha), Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật, CEO & CTO tại AIV Group Đặng Hải Lộc, Giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam Đặng Phạm Thiên Duy, Chủ tịch AI Education Trần Vũ Nguyên.

Công cụ tiện dụng, mang lại lợi ích

Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với ngành truyền thông, từ việc sáng tạo nội dung tự động cho đến phân tích thông tin chuyên sâu dựa trên dữ liệu, cũng như khả năng của AI trong việc định hình tương lai của truyền thông báo chí.

Đồng sáng lập Splice Media Rishad Patel chia sẻ về chiến lược truyền thông trong thời đại AI. (Ảnh: Diệu Linh)

Đồng sáng lập Splice Media Rishad Patel chia sẻ về chiến lược truyền thông trong thời đại AI. (Ảnh: Diệu Linh)

Theo ông Rishad Patel, truyền thông hiện đại cần giải đáp được 5 câu hỏi: Ai cần thông tin này? Tại sao họ lại cần? Họ có thể tiếp cận nó bằng cách nào? Họ có thể làm gì với nó? Làm thế nào để biết thông tin này là thật?

“Nội dung như món khoai tây chiên, việc của các đơn vị truyền thông là cung cấp ‘hương vị’ mà độc giả cần”, Rishad Patel ví von.

Vị đồng sáng lập Splice Media cho rằng, tương lại của báo chí truyền thông không phải AI, cũng không phải nội dung mà chính là vấn đề của người tiêu dùng sản phẩm. Vì thế, các tòa soạn, nhà báo cần tìm hiểu nhu cầu thực sự của người dùng là gì để đưa ra các sản phẩm phù hợp. AI chỉ là công cụ hỗ trợ nhà báo, tòa soạn làm việc đó.

Chủ tịch AI Education Trần Vũ Nguyên cho biết, hiện nay có rất nhiều phần mềm AI như Chat GPT, Poe, Ask Search... Các công cụ AI, nhất là AI tạo sinh đang được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực báo chí truyền thông, như sản xuất nội dung, kiểm tra tính xác thực của nội dung video, thiết kế đồ họa, hình ảnh…

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. (Ảnh: Diệu Linh)

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. (Ảnh: Diệu Linh)

Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, báo chí hiện nay cũng đang lấy độc giả làm trung tâm, do vậy, đích đến cuối cùng của chúng ta là hiểu độc giả muốn gì. Trước đây, muốn làm điều này thì rất khó, tuy nhiên nhờ công cụ AI phân tích dữ liệu độc giả, chúng ta có thể biết được nhu cầu thực sự của độc giả là gì để xác định đề tài mình cần làm.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, việc các phóng viên biết sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ thì sẽ thực hiện công việc thuận lợi hơn, tiết kiệm được nguồn lực, thời gian. Đối với các cơ quan báo chí, tuy không thể dự báo xa nhưng trong ngắn hạn, AI không lấy đi công việc mà thậm chí còn giúp ích cho các nhà báo. Bởi thế, chúng ta không nên chối bỏ các công cụ AI.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy mang lại nhiều lợi ích và sự thuận tiện cho người dùng sáng tạo nội dung, nhưng AI vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro chưa được khắc phục hết.

Giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam Đặng Phạm Thiên Duy cho hay, nhiều nội dung AI cung cấp không chính xác, người dùng luôn phải kiểm chứng lại để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Những bài viết do AI tạo ra thường không được google thu thập, dẫn đến hạn chế lượng truy cập của sản phẩm.

Không những thế, ứng dụng AI sẽ thu thập các dữ liệu để phân tích số liệu và xác định nhu cầu tìm kiếm, qua đó cung cấp thông tin người dùng cần. Tuy nhiên, “hành động” này có thể khiến rò rỉ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, ông Duy đánh giá, AI tuy rất thông minh nhưng nó chỉ là công cụ, không có tình cảm nên không phù hợp trong nhiều nội dung, bài viết cảm xúc.

CEO & CTO tại AIV Group Đặng Hải Lộc nêu một số hạn chế của các công cụ AI. (Ảnh: Diệu Linh)

CEO & CTO tại AIV Group Đặng Hải Lộc nêu một số hạn chế của các công cụ AI. (Ảnh: Diệu Linh)

Còn theo CEO & CTO tại AIV Group Đặng Hải Lộc, hiện chưa có các biện pháp hạn chế công cụ AI cung cấp thông tin sai, thường độ chính xác thông tin không được cao. Đặc biệt là vấn đề “ảo giác AI”, khi không hay biết về sự vật sự việc được hỏi, AI có xu hướng bịa đặt ra kết quả, gây sai lệch, hiểu lầm, không có thật đi kèm những luận điểm rất thuyết phục làm người dùng tin tưởng.

Bên cạnh đó, hiện chưa phổ biến các công cụ kiểm chứng tính xác thực thông tin AI đưa ra. Trong khi đó, cũng không có nhiều công cụ phân biệt đâu là nội dung do con người làm, đâu là do AI tạo ra. Điều này đặt ra vấn đề quy tắc minh bạch trong báo chí và truyền thông về các sản phẩm do AI sáng tạo.

Trước vấn đề này, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật thông tin, hiện Việt Nam chưa có công cụ pháp lý cụ thể trong việc sử dụng AI. Hầu hết bộ quy tắc sử dụng công cụ AI của các cơ quan báo chí Việt Nam đều là tham khảo báo chí nước ngoài. Thậm chí, Nhiều cơ quan báo chí chưa có bộ quy tắc sử dụng AI chi tiết.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng dự báo các xu hướng ứng dụng công cụ AI trong tương lai gần, đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu rủi ro, những kỹ năng mới mà người dùng và phóng viên cần có để tận dụng hiệu quả AI trong công việc…

Diệu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-truyen-thong-ai-chi-la-cong-cu-ho-tro-van-de-cua-nha-bao-la-tim-nhu-cau-thuc-su-cua-nguoi-doc-275043.html