Ứng dụng Tư tưởng Đạo đức Phật giáo trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu
Bằng phương pháp nghiên cứu lịch sử, phỏng vấn và phân tích-tổng hợp tài liệu, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển đã chỉ ra thực trạng xuống cấp giá trị đạo đức trong thực hành Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đạo Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian, phản ánh rõ nét đẹp tâm hồn của con người Việt Nam. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn hiện nay cho thấy, hiện tượng buôn thánh bán thần, lợi dụng tôn giáo để biến tướng, trục lợi cá nhân.
Tình trạng xuống cấp đạo đức đã làm mất niềm tin và sự linh thiêng trong văn hóa truyền thống dân tộc Việt.
Bằng phương pháp nghiên cứu lịch sử, phỏng vấn và phân tích-tổng hợp tài liệu, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Nghệ nhân Văn hóa, Viện Nghiên cứu Tín ngưỡng Việt Nam với bài viết tựa đề "Ứng dụng Tư tưởng Đạo đức Phật giáo trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu để định hướng tương lai" đã chỉ ra thực trạng xuống cấp giá trị đạo đức trong thực hành Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tại bài viết này, tác giả cũng mạnh dạn đưa ra những tư tưởng đạo đức trong Đạo Phật để ứng dụng khắc phục, cải thiện và nâng cao những giá trị đạo đức trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Từ đó đưa ra những khuyến nghị và giải pháp góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn, phát huy những giá trị tư tưởng đạo đức trong Phong tục thờ Mẫu.
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết:
Dẫn nhập
Phật giáo là một tôn giáo mang đậm triết lý sống. Trong lịch sử, Phật giáo đã rất thịnh hành và trở thành tôn giáo của nhân dân. Theo Hoàng Văn Lâu (2000): Con người có niềm tin sâu sắc với Đạo Phật.
Thuyết họa phúc của Phật giáo đã tác động mạnh tới nhân dân, từ vương công, đến thường dân đều nghe theo Phật giáo. Nếu cần cúng dường cho nhà Phật, họ rất sẵn sàng cho dù đem hết tiền của cũng không tiếc. Họ vui mừng khi được gửi khoán vào chùa, vì họ tin vào nhân quả và luân hồi sau này.
Cho nên, dù không bị bắt phải nghe và tin theo Đạo Phật, nhưng từ kinh thành cho tới thôn cùng ngõ hẻm, ai ai cũng nhất nhất tuân theo tôn giáo này. Điều đó chứng tỏ, Phật giáo rất có hiệu lực nên họ mới tin đến vậy.
Đạo Mẫu là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, được hình thành từ niềm tin và tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Nó gắn liền với những nhân vật có thật trong lịch sử, là những người có công với dân tộc được nhân dân sùng bái, tôn thờ.
Nổi bật là nhân vật Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bà là người đứng đầu trong hệ thống tam phủ, tứ phủ của Đạo Mẫu.
Có thể nói Nam Định là quê hương phát tích, đồng thời cũng là vùng có nhiều các di tích thờ Mẫu Liễu lớn nhất miền Bắc với những trung tâm thờ Mẫu lớn như: quần thể di tích Phủ Giầy (Vụ Bản), Phủ Nấp (Ý Yên). Chỉ tính riêng ở khu vực Phủ Giầy đã có tới 4 ngôi phủ lớn như: Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, phủ Bóng, phủ Giáp Ba (riêng phủ Giáp Ba không thờ Liễu Hạnh nhưng thờ vọng Liễu Hạnh và thờ chính 1 bà cô tổ là dâu họ Mai-tương truyền là người thường xuyên ra vào chăm lo phủ Mẫu).
Tại Phủ Nấp (Phủ Quảng Cung), nơi có dòng sông Đáy êm đềm, mát lành chảy qua hiện lưu giữ một pho tượng cổ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đây là một tác phẩm điêu khắc độc đáo có giá trị được làm bằng đồng.
Hình ảnh Thánh Mẫu ngồi xếp bằng khoan thai trong trang phục cô thôn nữ nhẹ nhàng, tóc búi cao, hai tay bắt quyết để trên đùi hiện ra rất trang nghiêm, linh thiêng nhưng cũng thật bình dị và gần gũi với đời sống người dân Việt.
Tuy nhiên ngày nay, hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trục lợi cá nhân đã làm mất đi bản sắc và sự linh thiêng trong Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu, để lại hậu quả cho nhiều thế hệ con cháu có cái nhìn sai lệch về lịch sử Đạo Mẫu Việt Nam.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh- một nhà nghiên cứu về Đạo Mẫu đã tiếc nuối nói: “Tôi rất buồn phải nói rằng 80% nghi lễ hiện nay là biến tướng. Biến tướng nghiêm trọng. Hoàn toàn “vật chất hóa” từ đầu đến cuối” (Tú Anh, 2013).
Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh nhận xét: “Từ khi UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia của Nhân loại, bên cạnh mặt tích cực thì ngày càng nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, biến tướng, thương mại hóa, trục lợi, làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của di sản” (Hà Phương, 2022).
Thực trạng xuống cấp đạo đức đã làm mất đi niềm tin và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mong muốn trong tương lai, những người đang thực hành Di sản thờ Mẫu sẽ củng cố được niềm tin trong lòng những người dân Việt.
Họ cần phải được học hỏi, nâng cao nhận thức về tự nhiên và xã hội, về vũ trụ và con người. Cần mở lòng để biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc những con người yếu thế trong xã hội. Có ý thức trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Tránh đi lầm đường, lạc lối trên con đường tu đạo. Muốn thực hiện được điều này, trong phạm vi bài viết, tác giả mạnh dạn ứng dụng những tư tưởng đạo đức của Phật giáo vào cải thiện và nâng cao những giá trị đạo đức trong Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua trả lời ba câu hỏi sau:
1. Thực trạng xuống cấp đạo đức trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu?
2. Lợi ích ứng dụng Tư tưởng Đạo đức Phật giáo trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu?
3. Hướng bảo tồn phát huy những giá trị đạo đức trong Văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu?
Thực trạng xuống cấp đạo đức trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu
Giá trị đạo đức không chỉ tồn tại ở mối quan hệ giữa con người với con người, là tình yêu thương và sự độ lương, là sự giúp đỡ, sẻ chia và mang hạnh phúc đến cho nhân loại. Mà giá trị đạo đức còn thể hiện ở mối quan hệ giữa con người với lao động.
Người có ý thức và trách nhiệm trong lao động sẽ có thể được coi là người có đạo đức. Họ biết mưu sinh một cách chính đáng bằng đôi bàn tay và khối óc của mình, không lợi dụng kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người khác.
Đức Phật dạy: “Hãy sống tự mình làm hòn đảo của chính mình, này các Tỷ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác” (Thích Minh Châu, 2013, tr673).
Đây là tinh thần giáo dục đạo đức lành mạnh và rất tích cực, giúp con người hoàn thiện cả ở mặt cá nhân và xã hội. Dựa trên nền tảng giáo lý của Đức Phật, mà tính thiện trong Đạo đức Phật giáo cũng đã xuất hiện để cải thiện nhân cách đạo đức cho con người.
Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể thấy “đồng đua” xuất hiện nhiều hơn “đồng nhập,” đồng nhập là những người thực sự có căn đồng, họ hầu đồng có văn hóa, rất đẹp và chuyên nghiệp, họ bày tỏ lòng biết ơn, và tôn vinh những công lao to lớn của các anh hùng có công với dân tộc.
Đồng đua là người không có căn đồng, họ giả mạo để lập đền, lập phủ. Mục đích có thể để thỏa mãn những lạc thú cá nhân, như được người khác tôn sùng, vái lạy, được gọi bằng thầy xưng con, được cho tiền mà không mất nhiều công sức lao động…, họ không có kỹ năng và kinh nghiệm hầu Thánh Mẫu, nên họ diễn một cách rất tùy tiện, hời hợt và gượng ép.
Theo thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (Ba Đình, Hà Nội): “Việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay khá tùy tiện, không chỉ diễn ra ở đền, phủ thờ Mẫu mà cả ở đình thờ Thành hoàng, thờ danh nhân, nơi chùa chiền thờ Phật…
Việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu cho đến vũ đạo: có những thanh đồng đưa cả hò hét, phán truyền, bói toán, phù chú, bắt ma, trò phù thủy vào các canh hầu; có cô đồng hầu giá Trần triều đeo trang sức mỹ ký lủng lẳng, phấn son lòe loẹt.
Đáng buồn hơn, các canh hầu đồng hiện nay là hiện tượng thương mại hóa, buôn thần bán thánh, không đúng với truyền thống. Các ông đồng, bà đồng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, yêu cầu con nhang đệ tử bỏ ra một khoản tiền lớn khiến họ khuynh gia bại sản… Điều đó làm mất đi sự nghiêm túc và tính linh thiêng của tín ngưỡng bị giảm sút” (Lê Huy, 2018).
Thực tế cũng phản ánh các ông đồng, bà cốt làm việc không có tâm, không có tình thương yêu và đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Họ lợi dụng sự nhẹ dạ của các tín đồ Đạo Mẫu để trục lợi, đẩy họ rơi vào tình trạng thất thế, khuynh gia, bại sản.
Ngày nay, phần đông các giá hầu đồng không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà mục đích là ham muốn thể hiện quyền lực và trục lợi cá nhân.
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Cách đây khoảng hơn chục năm, khi nghi lễ này vẫn còn 'sạch,' hầu đồng chỉ diễn ra quy mô đúng là 'tùy tâm biện lễ,' không hoành tráng, đồ sộ từ lễ vật, vàng mã đến tiền phát lộc (vì trong nghi lễ hầu đồng có phần phát lộc).
Quần áo để hầu cũng đơn giản, không cầu kỳ, đắt tiền như hiện nay, cốt sao đủ một bộ khăn, áo, mũ… đúng màu sắc cho mỗi giá hầu…
Nhưng hiện nay thì cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là 'bạc lẻ' gọi là tượng trưng nữa mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải nhiều… Tất cả chỉ vì họ nghĩ rằng 'tốt lễ dễ kêu…'” (Tú Anh, 2013).
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Tiến sỹ Đoàn Thúy Quỳnh, Giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia cho biết: “Lần đầu tiên tôi được ngồi xem trực tiếp một khóa lễ hầu đồng. Hòa với giai điệu và tiếng hát chầu văn, tôi hào hứng, say sưa nhún nhảy theo từng giá hầu. Nét đẹp của văn hóa hầu đồng thật sự đã gây ấn tượng mạnh với tôi, tôi như lạc vào một thế giới của các vị thánh thần. Nhưng đến màn phát lộc, mọi sự thăng hoa đã biến mất, trả tôi về với thực tại.
Có thể nói tôi đã sốc về văn hóa đếm tiền, và chia tiền của một vị 'thánh nhập' đang ngồi oai nghi, lộng lẫy trên ghế hầu. Họ đếm và cầm những đồng tiền với mệnh giá cao chuyển tới tay đồng đội, bạn bè, người thân. Thi thoảng mới tung ra mấy đồng tiền lẻ cho những người nghèo, người tàn tật đang ngồi phía dưới. Tôi thoáng buồn và đứng lên ra về. Trong đầu tiếng nhạc và tiếng hát chầu văn vẫn văng vẳng bên tai, nhưng lúc này nó không còn hấp dẫn và lôi cuốn tôi nữa…”
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do con người hối hả, bon chen, mải miết chạy theo những thứ thuộc về vật chất mà quên đi việc chăm sóc bản thân, gia đình, xã hội. Đến khi thất thế, sức khỏe rơi rớt, công việc thất bại, gia đình tan nát…, không còn chỗ nào bấu víu, cộng thêm trình độ nhận thức và hiểu biết về Đạo Mẫu còn non kém, dẫn đến hành vi mê tín dị đoan.
Họ nghe theo lời xúi giục của những ông đồng, bà cốt ra trình đồng, mở phủ để được Thánh Mẫu che chở, ban phát và cứu giúp họ thoát khỏi vất vả, nợ nần và đau khổ đang bủa vây.
Nhưng sự thật không có bậc thánh thần nào giang tay cứu vớt họ cả, bởi Theo F.Engels: “Sự nhân cách hóa các lực lượng tự nhiên đã làm nảy sinh ra những vị thần đầu tiên” (K.Marx và F.Engels, 1996, tr.404).
Hiện nay, những con nhang đệ tử, họ lập đền, lập phủ, nhưng lại thiếu nền tảng kiến thức về lịch sử hình thành và phát triển của Đạo Mẫu, nên họ hiểu và thực hành nghi lễ chưa chuẩn, dẫn đến có hành vi đi ngược với đạo đức, làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Một trong những nguyên nhân là người dân cuồng tín, thậm chí các thanh đồng khá mù mờ về Đạo Mẫu, nhiều người còn lợi dụng Đạo Mẫu, hầu đồng để làm giàu” (Nguyễn Mỹ, 2016).
Do đó, giáo sư đã đưa ra lời khuyên: “Đã đến lúc cần đánh giá đúng và công bằng về Tín ngưỡng thờ Mẫu, cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó, để di sản được bảo tồn và phát huy hết giá trị vốn có” (ĐCSVN, 2014).
Bên cạnh đó, “chúng ta phải nhìn nhận rõ, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, không vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng” (Lê Thị Minh Lý, 2016).
Từ những thực trạng kể trên, để giữ gìn Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia của nhân loại không bị biến tướng. Điều tiên quyết là cần trang bị cho Đạo Mẫu một hệ thống giáo lý, giáo luật quy chuẩn để củng cố lại giá trị đạo đức, nâng cao giá trị nhận thức cho những người đang thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi vì: Đạo Mẫu cũng có giáo lý, giáo luật giống như Đạo Phật, nhưng chưa thành văn, mà chỉ được các thanh đồng trao truyền bằng miệng trong quá trình học đạo và truyền đạo (Hoàng Phương, 2020).
Mối quan hệ giữa Đạo Phật và Đạo Mẫu
Lịch sử cho rằng người Việt cổ có hệ thống tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú. Khởi thủy của Đạo Mẫu là thờ Trời, Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa. Và thờ Tứ pháp Mây Mưa Sấm Chớp, bởi vì từ thời xa xưa nguồn sống chính của con người là sản xuất nông nghiệp và trồng lúa nước, lúc rảnh rỗi thì đi săn bắn những sản vật của tự nhiên.
Cho nên con người rất tôn sùng những hiện tượng huyền bí của tự nhiên như sấm chớp, gió, mưa, và tổ tiên đã khuất. Từ những lý do trên mà hình thành nên hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu rất phong phú.
Phật giáo theo Thích Huệ Đạo (2020): Từ khi du nhập vào Việt Nam đã được người dân kết nối để hòa nhập với các tín ngưỡng truyền thống bản địa như thờ Tứ Phủ: Mây, Mưa, Sấm, Chớp và thờ Tứ Pháp… Phật giáo đã ăn sâu vào tâm hồn và nếp sống của người Việt Nam, nó trở thành niềm tin, niềm hy vọng trong mỗi con người.
Những khi gặp bất trắc, đau khổ trong cuộc sống, con người tin sẽ có một vị Bồ Tát nào đó giang tay cứu giúp. Cho nên khi đứng trước Ban thờ Phật hay Ban thờ Thánh Mẫu, người dân thường hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Điều này chứng tỏ, Đạo Phật và Đạo Mẫu đã có mối liên hệ mật thiết với nhau từ rất lâu. Đồng thời cũng toát lên niềm tin mãnh liệt của con người đối với Đạo Phật và Đạo Mẫu.
Theo giáo sư Trần Văn Giàu (1973): Đối với nhiều người dân Việt Nam, Phật giáo đã trở nên rất phổ biến. Họ đến với Phật giáo là để cầu phúc và hiểu về quả báo luân hồi, họ chỉ biết triết lý Phật giáo là thứ đạo đức dễ hiểu, dễ làm về lòng từ bi, bác ái, cứu, khổ, cứu nạn, chứ họ không hiểu được ý nghĩa cao sâu của triết lý Phật giáo. Họ biết phải tự tu nhân, tích đức ở kiếp này thì mới được hưởng an vui, hạnh phúc ở kiếp sau.
Sử sách cũng đã ghi chép, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã quy y Phật, nên bà chắc chắn là đệ tử Phật. Bằng chứng cho thấy chùa nào thờ Phật thì thường có Ban Mẫu, ngược lại đền nào thờ Thánh Mẫu cũng đều có Ban thờ Phật.
Bên canh đó, do có thể bà quy y Phật, nên không để lại cho hậu thế những giáo lý hay pháp môn nào của Đạo Mẫu. Điều đó một phần có thể hiểu bà muốn nhắn nhủ tới thế hệ mai sau hãy cố gắng tu tập và thực hành theo giáo lý của Đức Phật.
Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định Đạo Phật và Đạo Mẫu có mối liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhau, chúng cùng nương tựa, dung hòa, bổ sung và tương trợ cho nhau cùng phát triển.
Khái niệm về Đạo đức Phật giáo
Đạo đức là một trong những chuẩn mực của xã hội, giúp con người điều chỉnh hành vi trong mọi mối quan hệ. Căn cứ vào các chuẩn mực mà người ta có thể đánh giá được hành vi con người theo các quan niệm về thiện và ác.
Tuy nhiên chuẩn mực đạo đức không được ghi thành văn bản, quy chế. Mà hầu như đều do tự con người có ý thức tuân thủ.
Theo Kinh điển Phật giáo ghi chép, đạo đức xuất hiện từ việc lớn như chính sự quốc gia, tới việc nhỏ như giữ hòa khí ấm êm trong gia đình.
Theo "Từ điển Bách khoa Việt Nam" thì “Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội, bao gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hôi).
Căn cứ vào những chuẩn mực ấy, người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện và ác, về cái không được làm (vô đạo đức) và về nghĩa vụ phải làm.
Khác với pháp luật các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy có tính cưỡng chế, song đều được mọi người thực hiện do sự thôi thúc của lương tâm cá nhân và của dư luận xã hội” (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, 2000, tr.738).
Theo "Giáo trình đạo đức học" thì “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội” (Học viện Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 816).
Theo "Phật Quang đại từ điển" quyển 2 thì: “Đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại” (Thích Quảng Độ, 2000, tr.1621). Và theo "Từ điển Phật học" thì “Đạo là chánh pháp, tức là đắc đạo, là không làm sai lệch nền chánh pháp” (Đoàn Trung Còn, 2015, tr.524).
Như vậy, có thể định nghĩa một cách khái quát: Đạo đức Phật giáo là những giới điều, là quy tắc, điều lệ mà Đức Phật đưa ra cho con người để thực hiện.
Mục đích tránh làm ác, tăng làm thiện, mang niềm vui và hạnh phúc tới cho nhân loại. Hiểu theo phương diện đạo đức học: Đạo đức Phật giáo được coi là một triề́t lý sống, chỉ có người có đức từ bi, độ lượng mới có đủ trí tuệ để tiếp thu được những triết lý cao sâu của Đức Phật.
Những triết lý đó giúp con người tu dưỡng thân tâm để cuộc sống trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Giúp con người tự giác tạo cho mình một con đường đi riêng, để đạt tới một cuộc sống đầy đủ, an nhiên, hạnh phúc, mà không cần dựa vào sự giúp đỡ của bất kỳ một thế lực nào khác.
Lợi ích ứng dụng tư tưởng đạo đức Phật giáo trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu
Nền tảng cơ bản của tư tưởng Đạo đức Phật giáo
Trong Phật giáo, đức từ bi hỉ xả còn được gọi là Tứ vô lượng tâm, là bốn đức tính cao quý làm nên xứ mệnh trong toàn bộ tư tưởng Đạo đức Phật giáo, và thuộc về ý thức đạo đức con người. Người có đức từ bi là người có đạo đức.
Theo "Phật Quang đại từ điển 6": “'Từ' là yêu quý chúng sinh và ban cho họ sự an vui, là tính hiền lành, đức độ của con người. 'Bi' là đồng cảm với sự đau khổ của chúng sinh, xót thương và trừ diệt sự đau khổ của họ, gọi chung là 'từ bi.' Lòng bi của Đạo Phật là trạng thái đồng tâm đồng cảm, lấy sự khổ đau của chúng sinh làm sự khổ đau của chính mình”(Thích Quảng Độ, 2000, tr.6597-6598).
Phật giáo mong muốn đem đến cho con người một triết lý sống vị tha, nhân bản, biết yêu thương, bình đẳng, không phân biệt giai cấp sang hèn, không đánh đập, giết hại động vật, không đố kị, ghen ghét với những người máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn.
Khi nhận thức rõ được điều này, con người sẽ có ý thức hơn trong mọi hành động. Biết vươn lên, thoát ra khỏi cuộc sống ích kỷ, nhỏ nhen. Biết mở lòng để che chở, yêu thương và giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Có ý thức, trách nhiệm, tự nguyện cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội mà không mong báo đáp, không cầu lợi danh.
Người Việt Nam tiếp nhận Đạo Phật không phảỉ chỉ là những triết lý đạo đức cao sâu của Đức Phật, mà quan trọng là những hành vi đạo đức mang tính hướng thiện. Trong học thuyết “nhân quả” nhà Phật cho rằng: ai làm điều thiện nhận quả báo tốt, ai làm điều ác nhận quả báo xấu. Do đó con người muốn được quả báo tốt, thì cần phải có suy nghĩ và hành động thiện, đừng bao giờ gây đau khổ cho người khác nếu không muốn mang đau khổ tới cho mình. Phật giáo đưa ra pháp môn “tự giác” “giác tha,” có nghĩa không chỉ tự cứu mình, mà còn quan tâm giúp đỡ người khác, không chỉ tự làm lợi cho mình, mà còn làm lợi cho người khác.
Tư tưởng này mang tinh thần nhân đạo rất cao của con người Việt Nam, họ sẵn sàng xóa bỏ mọi hận thù, oán ghét, để mở lòng yêu thương và chia sẻ. Những người có được “tự giác” “giác tha” chắc chắn sẽ tự tìm cho mình một con đường đi đúng, êm đềm và hạnh phúc không chỉ cho bản thân mà cho cả tha nhân.
Con người thường cho cái tôi của mình là trên hết, rồi tìm mọi cách để làm thỏa mãn cái tôi cá nhân. Điều này thể hiện qua học thuyết “vô thường,” “vô ngã.” Nhưng trrên thực tế chúng ta không bao giờ thể tìm thấy cái tôi, bởi nó không có thật, nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và đó là sự vô thường.
Để giảm bớt cái tôi vị kỷ, để nhận ra sự vô thường của cuộc sống. Chủ thuyết của Phật giáo rất thực tế, khi cho rằng: không có thứ gì là cố định hay trường tồn mãi, mọi thứ rồi sẽ phải thay đổi theo thời gian.
Do đó, con người nếu muốn thay đổi số phận, hãy chăm chỉ tu sửa lại mình, cần giữ một tâm hồn trong sáng, rũ bỏ mọi ham muốn, dục vọng. Phải tích cực làm điều thiện, tránh làm điều ác, lúc đó có thể nghiệp sẽ chuyển.
Đức Phật cho rằng tham sân si của con người chính là nguồn gốc của mọi sự khổ đau, muốn diệt trừ được khổ đau thì con người phải có nhận thức đúng đắn để tìm ra nguyên nhân của nó.
Phật giáo đưa ra bốn chân lý hay còn gọi là “Tứ diệu đế,” để chỉ ra nguyên nhân và cách diệt trừ nỗi khổ, niềm đau của con người. Cụ thể chỉ ra con đường trung đạo hay còn gọi là “Bát chánh đạo,” là con đường chân chính có tám nhánh, là nền tảng vững chắc giúp con người nhận thức triệt để mọi sự khổ đau để thoát ra khỏi nó.
Phật giáo luôn đề cao vị trí và vai trò của con người. Vì thế giáo lý của Đức Phật đều vì mục đích chính là phục vụ lợi ích của con người và toàn xã hội.
Giáo lý “Tứ trọng ân” là bốn ân sâu nặng mà chúng ta nhận ra từ việc học hỏi kinh nghiệm từ những mối quan hệ trong cuộc sống. Bốn ân đó là: ân cha mẹ; ân chúng sinh; ân Quốc vương; ân Tam bảo. Trọng ân trong Phật giáo không phải là thứ mà chúng ta nhận được từ thần linh hay nhữn thế lực cao siêu khác. Mà trọng ân là giáo lý giúp con người nhận ra mọi thứ mình đang có, đang được hưởng từ sự hỗ trợ của tứ ân.
Tứ ân có thể làm thay đổi một con người đang trong cuộc sống tiêu cực, chán trường thành con người có cuộc sống tốt đẹp và tích cực bằng sự biết ơn. Do đó, bất kể từ suy nghĩ, cử chỉ, hay hành động nào, chúng ta không được lơ là, hay coi thường tứ ân.
Chúng ta cần giữ tâm trong sạch, suy nghĩ tích cực, và có thái độ cư xử tôn trọng và lễ phép. Với tinh thần nhân văn, nhân ái, tôn trọng con người. Nên Phật giáo khuyên con người từ bỏ ái dục, ngã mạn và tham sân si. Khuyên họ tu nhân tích đức, làm điều lành tránh điều ác. Mục tiêu của Đức Phật là thiết lập lại trật tự, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại, vì thế Đức Phật luôn mong muốn con người quay trở về tìm lại bản thể của chính mình.
Tinh thần này được thể hiện qua “ngũ giới”: Không sát sinh; trộm cắp; tà dâm; không nói dối; không uống rượu. Đây là pháp môn giúp con người đạt đến tâm thanh tịnh và một cuộc sống yên lành, hạnh phúc.
Những tư tưởng Đạo đức Phật giáo trên đây là những điều rất thiết thực, có thể mang lại nhiều lợi ích, và có tính khả thi cao trong việc ứng dụng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu về tư tưởng và giáo lý cũng chưa đủ, chúng ta cần phải biết đến thực hành những tư tưởng này để đạt hiệu quả cao hơn.
Ứng dụng Tư tưởng Đạo đức Phật giáo vào Văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu
Khi nói đến Đạo Phật, dường như ai cũng biết và tôn trọng. Nhưng có lẽ mọi người chưa quan tâm nhiều đến lợi ích của việc hiểu và thực hành giáo lý trong Đạo Phật.
Đạo Phật không nói những ngôn ngữ giáo điều, sáo rỗng, không phải những tục lệ, giáo lý hay kinh kệ huyễn hoặc, vô ích. Phật giáo cũng không đặt nặng đức tin và sự sùng bái vào các đấng thần linh hay một thế lực cao siêu nào khác. Mà Phật giáo lấy đạo đức thực tiễn làm chuẩn để giáo hóa con người.
Đạo Phật quan niệm: Mọi hành động bất thiện của con người đều xuất phát từ tham, sân, si mà ra. Do đó Phật giáo chủ trương lấy từ bi, độ lượng, tự giác, giác tha, vô thường, vô ngã… làm nền tảng tư tưởng đạo đức. Lấy việc tu thiện, làm lành tránh ác là kim chỉ nam cho những người đang trên đường tu đạo.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Gần đây sự thực hành đã đi lệch hướng, không còn là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng. Nếu cứ vòi tiền của người tham gia hầu đồng, di sản sẽ bị mất đi nét đẹp sáng tạo” (Nguyễn Mỹ, 2016).
Chính giáo lý và hình ảnh của Đức Phật là hai chất liệu giúp lấp đầy lòng từ bi và sự độ lượng, phần nào mang lợi ích đến cho con người về thuần phong mỹ tục.
Nguyễn Tài Thu (1991, tr.399) cho rằng: Tư tưởng và Văn hóa Phật giáo đã thế tục hóa, cho nên nó dễ thích ứng và hòa nhập với xã hội Việt Nam. Do đó, việc ứng dụng những tư tưởng Đạo đức Phật giáo vào thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu giúp con người có thêm nghị lực để định hướng lý tưởng sống cho bản thân và xã hội. Con người sẽ biết sống vị tha hơn, biết yêu thương và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Ứng dụng Đạo đức Phật giáo giúp những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu đạt đến tâm hồn trong sáng, rộng lượng để dọn sạch những hoen ố đang tiềm ẩn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Không ai khác, chính những người trong cộng đồng ngôi nhà Mẫu mới dọn sạch được. Bởi chính những người ấy mới biết ai là người làm biến tướng, biến nghi lễ linh thiêng thành mê tín dị đoan để trục lợi… Từ sự nhận biết đó, họ sẽ tuyên truyền, gột rửa tâm hồn của những người 'tà tâm' để thay đổi nhận thức, hành động của họ, làm sạch sẽ, văn hóa “Ngôi nhà Mẫu” (Tú Anh, 2013).
Giáo lý của Phật giáo rất rõ ràng và có hệ thống, được ghi chép trong các kinh điển Phật giáo. Mục tiêu của Đạo Phật đã chỉ rất rõ con đường chân chính để tìm kiếm hạnh phúc viên mãn. Đấy chính là lợi ích lớn nhất mà Phật giáo mang đến cho những người đang thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Hướng bảo tồn phát huy những giá trị đạo đức trong văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Từ những phân tích trên, bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp:
Thứ nhất: Nâng cao việc tuyên truyền, để làm đổi mới nhận thức về vai trò của Đạo đức Phật giáo, đối với hoàn thiện nhân cách của con người trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nội dung tuyên truyền phải rõ ràng, có căn cứ để thuyết phục con người tin vào luật nhân quả, vào giáo lý của Phật giáo. Từ đó giúp họ có tinh thần tự giác, có ý thức hơn trong mọi suy nghĩ và hành động.
Lưu ý rằng, ngoài việc tuyên truyền nhận thức về tư tưởng đạo đức, thì việc tuyên truyền nhận thức về giá trị di sản văn hóa, về thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu để gìn giữ và phát huy di sản cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền cũng cần phải được kiểm duyệt, tránh tuyên truyền sai lệch những giá trị cốt lõi của đạo thờ Mẫu.
Thứ hai: Tổ chức những chuyến thiện nguyện đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp. Trong chuyến thiện nguyện, nên dành thời gian cho buổi tham luận để mọi người chia sẻ, hướng dẫn nhau hiểu và thực hành đúng giáo lý Đạo Phật.
Động viên họ buông bỏ, không nên bám chấp quá nhiều vào những thứ không phải là của mình; động viên họ phải có tình thương và sự độ lượng đối với nhận loại; phải có ý chí, nghị lực vươn lên dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn cũng không lùi bước.
Đấy chính là tinh thần “tự giác,” “giác tha” mà Đức Phật đã truyền dạy. Để làm được điều này, cần thiết lập một tổ chức quản lý để chịu trách nhiệm đứng lên tổ chức và hướng dẫn họ.
Thứ ba: Cần mở những khóa bồi dưỡng để bổ túc kiến thức và cấp chứng chỉ cho những thủ nhang, đồng đền…, họ là những người đang thực hành Di sản Văn hóa thờ Mẫu. Khóa bồi dưỡng sẽ giúp họ tiếp thu, hiểu sâu hơn những kiến thức về vũ trụ, con người, về những giá trị đạo đức.
Hướng dẫn họ thực hành chuẩn từng chi tiết trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Họ chính là người góp phần củng cố và tôn vinh nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, là những người có trách nhiệm truyền trao và hướng dẫn hậu thế thực hành nghi lễ chuẩn mực, có hệ thống.
Do đó, những cơ quan chức năng liên quan cần kết hợp với Thủ nhang, Thanh đồng, và các nhà khoa học trên cả nước biên soạn ra hệ thống giáo lý, giáo luật có quy chuẩn; ban hành ra một số quy tắc nghiêm ngặt để chấn chỉnh hành vi biến tướng trong thực hành nghi lễ hầu đồng; tăng cường thêm những giải pháp để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt nội dung biên soạn cần bám sâu vào những giá trị cốt lõi của Đạo Mẫu từ lịch sử cho tới hiện tại. Nếu làm được như thế, chắc chắn Đạo Mẫu sẽ luôn trang nghiêm, trong sạch và vững mạnh.
Thứ tư: Tăng cường thêm những cuộc hội thảo, tham luận với các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài nước, những người trong cộng đồng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu về những vấn đề đang nhức nhối hiện nay, nhằm đảm bảo việc thực hành nghi lễ thờ Mẫu theo đúng chuẩn mực truyền thống dân tộc Việt.
Do đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá thường xuyên những vấn đề nào cần phát huy, những vấn đề nào cần điều chỉnh để kịp thời có phương pháp điều chỉnh và xử lý.
Kết luận
Ứng dụng Đạo đức Phật giáo trong Văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là việc làm thiết thực và cần thiết. Mục đích đều hướng con người đến những giá trị nhân văn, nhân bản trong tiến trình phát triển và đi lên của xã hội. Hướng con người đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tư tưởng Đạo đức Phật giáo hòa quyện với Đạo Mẫu chắc chắn sẽ góp phần nâng cao và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đạo Phật và Đạo Mẫu nương tựa, hỗ trợ nhau cùng tạo nên một sức mạnh nội sinh và động lực để gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo
- Tú Anh (2013, tháng 9, ngày 05). "Sự biến tướng trong 'ngôi nhà Mẫu'.” Nguồn
- "K.Marx và F.Engels" (1996), Toàn tập, tập 21, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đoàn Trung Còn (2015), "Từ điển Phật học," Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM.
- Thích Minh Châu dịch (2013),"Đại tạng kinh Việt Nam truyền," "Kinh Trường bộ,"tập 1,"Kinh Giáo thọ thi ca la Việt," Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), tháng 10, ngày 31). "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Nét văn hóa cần lưu giữ." Nguồn
- Thích Huệ Đạo (2020). "Đạo đức Phật giáo và sự ảnh hưởng đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay" (sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Thích Quảng Độ dịch (2000), "Phật Quang đại từ điển," tập 2, Nhà xuất bản Hội văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.
- Trần Văn Giàu (1973). "Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ cuối thế kỷ XIV đến cách mạng tháng 8," tập 1, Nhà xuất bản, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn "Từ điển Bách Khoa Việt Nam" (2000), "Từ điển Bách khoa Việt Nam 1"(A-Đ), Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
- Học viện Chính trị Quốc gia (2000), "Giáo trình đạo đức học," Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Lê Huy (2018, tháng 2, ngày 18). “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu: Thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.”Nguồn
- Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích) và Hà Văn Tấn (hiệu đính) (2000), Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Lê Thị Minh Lý (2016), tháng 12, ngày 07). Nhận diện đúng giá trị văn hóa của “Thực hành Tín ngưỡng thờ MâũTam phủ”. Nguồn
- Bùi Quang Minh (2010). “Nhân diện một địa chỉ giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh,” Tạp chí Di sản văn hóa, (1), tr.58-63.
- Nguyễn Mỹ (2016, tháng 12, ngày 14). Nghi lễ hầu đồng, nối lo biến tướng. Nguồn
- Hà Phương (2022, tháng 6, ngày 09). Cần mạnh tay xử lý những biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nguồn
- Nguyễn Tài Thư (1991). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội.