Ứng dụng 'VBSP Smart Banking': Tiện ích mới cho hộ nghèo và đối tượng chính sách
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số, từ tháng 3/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh đã tích cực triển khai dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP Smart Banking. Qua đó, giúp khách hàng thanh toán linh hoạt, bảo mật thông tin, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch.
Ứng dụng VBSP Smart Banking là dịch vụ ngân hàng số của NHCSXH. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ tiện ích như: chuyển tiền; thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, internet, truyền hình, điện thoại cố định; nạp tiền điện thoại; thanh toán vé máy bay; thanh toán bằng mã QRPay… Đặc biệt, khách hàng là hộ nghèo và đối tượng chính sách có thể nộp lãi, truy vấn giao dịch ngay trên tài khoản; khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội được trừ trực tiếp tiền lãi hằng tháng trên ứng dụng… Tại Lạng Sơn, ứng dụng VBSP Smart Banking được NHCSXH Chi nhánh tỉnh triển khai từ tháng 3/2023. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng cần có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android 4.1 trở lên và IOS 11.0 trở lên.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Khi chưa có ứng dụng VBSP Smart Banking, mọi hoạt động giao dịch giữa ngân hàng và các khách hàng đều thực hiện bằng phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Việc triển khai ứng dụng số không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, gia tăng tiện ích cho hộ nghèo và đối tượng chính sách mà còn giúp ngân hàng quản lý chặt chẽ công tác đối chiếu dư nợ, số dư tiền gửi, giảm tỷ lệ rủi ro, gian lận trong hoạt động tín dụng. Để triển khai hiệu quả, chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch trên địa bàn phối hợp với các cấp hội nhận ủy thác, UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt được ứng dụng mới này.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hữu Lũng là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả triển khai ứng dụng VBSP SmartBanking tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh, đơn vị đã triển khai quán triệt tới tất cả cán bộ ngân hàng. Chúng tôi tuyên truyền đến người dân thông qua các buổi sinh hoạt thôn; phát tờ rơi; treo băng rôn thông tin về tiện ích khi sử dụng ứng dụng số của ngân hàng… Nhờ đó, đến nay, đã có 389 khách hàng cài đặt ứng dụng VBSP SmartBanking.”
Bà Nông Thị Thảo, thôn Đập, xã Vân Nham chia sẻ: Gia đình tôi cách trung tâm xã gần 10 km, đường đi lại khó khăn, trước đây, muốn giao dịch phải ra tận điểm giao dịch xã. Sau khi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện hướng dẫn, tôi đã thao tác chuyển tiền ngay trên điện thoại di động. Tôi cũng như nhiều người dân ở đây đều rất hài lòng bởi dịch vụ mới này thuận tiện, bảo đảm an toàn, tiết kiệm được thời gian và xăng xe đi lại cho người dân khi giao dịch.
Không chỉ bà Thảo, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, sự chủ động thực hiện của các phòng giao dịch, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã thấy được lợi ích thiết thực khi sử dụng ứng dụng VBSP SmartBanking và tích cực tham gia. Từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.200 khách hàng cài đặt sử dụng dịch vụ với dư nợ phát sinh đạt trên 27,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi sử dụng ứng dụng VBSP SmartBanking, khách hàng còn có thể kiểm tra thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay; tra cứu lịch sử giao dịch; thực hiện các cài đặt: đăng nhập, xác thực bằng vân tay, đổi mật khẩu, hạn mức nhóm chuyển tiền, danh bạ thụ hưởng, phương thức xác thực Soft OTP (hình thức bảo mật 2 lớp trên ứng dụng số)… Đây là tiện ích mà từ trước đến nay chưa từng có tại NHCSXH.
Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng VBSP Smart Banking trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mà còn giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước tiếp cận với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành ngân hàng.