Ứng dụng y tế từ xa tại 10 địa phương khó khăn

Dự án 'Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam' được thực hiện tại 10 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau.

Ngày 21-11, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Thu Trang

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, dự án này đặt ra mục tiêu nâng cao sức khỏe của các nhóm yếu thế tại Việt Nam thông qua việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người sinh sống tại khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường chuyển đổi số trong dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại tuyến cơ sở.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương trên 1.000 điểm cầu. Đề án này được triển khai đã cứu sống được hàng nghìn người bệnh Covid-19 nặng. Cho đến nay, đề án đang được tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, từ năm 2020, UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế phát triển và thực hiện chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” tại 8 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau và đạt được những kết quả tích cực.

Từ những kết quả tích cực của chương trình phối hợp nói trên, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe quốc tế Hàn Quốc (KOFIH) và thông qua UNDP để huy động nguồn lực thực hiện dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” tại 10 tỉnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau.

Các đại biểu ấn nút khởi động dự án. Ảnh: Lê Hảo

Các đại biểu ấn nút khởi động dự án. Ảnh: Lê Hảo

Thời gian thực hiện dự án từ ngày 11-9-2024 theo Quyết định số 2682/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt dự án đến ngày 31-12-2026.

Dự án sẽ hỗ trợ triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” tại 10 tỉnh nói trên và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật số, cung cấp máy chủ, thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo và hoàn thiện khung pháp lý về y tế từ xa.

Để triển khai tốt dự án này, ông Hà Anh Đức đề nghị, các đơn vị của Bộ Y tế: Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng các văn bản, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Còn Trung tâm Thông tin y tế quốc gia là đơn vị thực hiện tiếp nhận và vận hành hệ thống khám chữa bệnh từ phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” bảo đảm về mặt kỹ thuật, công nghệ và an toàn thông tin.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ung-dung-y-te-tu-xa-tai-10-dia-phuong-kho-khan-685138.html