Bảo tồn sinh quyển thế giới
Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) được UNESCO công nhận, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), kết cấu sinh thái của các KDTSQ này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và các loài động thực vật đặc hữu. Việc quản lý hiệu quả các KDTSQ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Mặc dù còn nhiều tồn tại, nhưng 11 KDTSQ của Việt Nam đều được ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội-môi trường một cách bền vững và đóng góp cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và toàn cầu. Đến nay, mạng lưới các KDTSQ của Việt Nam đã phát triển cùng với xu hướng chung của thế giới. Mỗi KDTSQ là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. Các dự án tài trợ đã nhân rộng các mô hình sinh kế gắn kết với nguồn lực địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều vùng. Cộng đồng các khu dân cư ngày càng nhận thức tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, góp phần bảo tồn văn hóa.
Những năm qua, các KDTSQ ở Việt Nam nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) để thúc đẩy khả năng phục hồi môi trường và hỗ trợ sinh kế địa phương trước những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các KDTSQ ở Việt Nam” do Bộ TN&MT và UNDP thực hiện tại các KDTSQ miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm-Hội An và Đồng Nai, góp phần phục hồi 4.000ha rừng bị suy thoái và quản lý bền vững 60.000ha rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học. Dự án trực tiếp hỗ trợ để cải thiện sinh kế cho 3.100 hộ gia đình, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 14.700 cá nhân, đặc biệt chú trọng sự tham gia của phụ nữ, chiếm 42% số người hưởng lợi vào các hoạt động của dự án.
Hiện, Việt Nam đã quản lý hiệu quả hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng và biển tại các KDTSQ. Tuy nhiên, việc quản lý các KDTSQ đang đối mặt với một số thách thức cần sớm giải quyết. Các chuyên gia chỉ ra những bất cập, tồn tại trong điều phối liên ngành; nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực còn hạn chế cho các KDTSQ. Cùng với đó sự tham gia và gắn kết cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong quản lý tài nguyên thiên nhiên còn chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả. Tại một số khu vực, người dân vẫn thiếu thông tin và chưa nắm rõ vai trò của mình trong bảo tồn và phát triển sinh kế...
Bộ TN&MT chưa phát huy vai trò là đầu mối quốc gia với các bên liên quan, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển và quản lý bền vững các KDTSQ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương sinh sống trong và quanh các KDTSQ.
Thiết nghĩ, tình trạng suy thoái tài nguyên rừng do khai thác trái phép, phát triển hạ tầng và tác động của biến đổi khí hậu. Điều này yêu cầu phải có cách tiếp cận quản lý tổng thể, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Từ thực tiễn cho thấy, cần sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là yếu tố quyết định đến sự thành công trong quản lý và bảo tồn KDTSQ.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-sinh-quyen-the-gioi-post483576.html