Ủng hộ nới bội chi và nợ công để không lỡ nhịp với thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng, nếu cứ dứt khoát không nới bội chi và nợ công thì không có đầu tư, không có phát triển, sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn, có thể lỡ hết các cơ hội cho phát triển.
Chiều ngày 11/11 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn. Nhóm vấn đề chất vấn gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Thế giới chấp nhận nâng trần nợ công để phục hồi kinh tế
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về gói hỗ trợ trong dịch Covid-19 của quốc tế. Đồng thời chất vấn, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu, đối tượng của chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Về kinh nghiệm quốc tế về gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt, từ kinh tế đến xã hội của cả thế giới và Việt Nam. Thế giới đã có những quyết sách và chính sách rất nhanh và kịp thời. Đó là những gói hỗ trợ rất lớn, chưa có tiền lệ, đồng thời, chấp nhận tăng trần nợ công và bội chi ngân sách. Đặc biệt, các biện pháp này được các nước triển khai rất nhanh.
Chính vì thế, cùng với tiêm chủng nhanh các nước này đã hồi phục nhanh về kinh tế.
Dẫn chứng cho nhận định này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Mỹ đã bỏ 27,9% GDP để hỗ trợ, chấp nhận nợ công 21 điểm phần trăm, Trung Quốc tăng nợ công đến 66,8% GDP.
Về chính sách tài khóa, các nước đều tăng cho y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội, với phương thức cấp tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, miễn giảm thuế phí thu nhập doanh nghiệp, VAT, hỗ trợ dòng tiền cho ngành, lĩnh vực ưu tiên, đầu tư hạ tầng.
Chẳng hạn, tại Mỹ, nước này đã chi 1.200 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, kích thích tăng trưởng cho dài hạn.
Về chính sách tiền tệ, các nước duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp và tăng tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi miễn giảm thuế và hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền…
Bộ trưởng cho biết, quan điểm, mục tiêu, phạm vi và đối tượng của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, sau khi nghiên cứu ý kiến chuyên gia và tình hình thực tiễn.
Theo đó là: quy mô đủ lớn; thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ cả phía cung, cầu; linh hoạt, phù hợp chính sách tài khóa, tiền tệ; gắn kết với các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm...
Tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ, tính đến cả những vấn đề dài hạn. Giữa các chính sách, giải pháp thì có cơ chế cụ thể để đảm bảo khả thi, hỗ trợ thì có trọng tâm, trọng điểm.
Việc thực hiện đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động. Nếu được Quốc hội thông qua thì thực hiện 2 năm 2022-2023, nếu được thì thực hiện ngay đầu năm 2022.
Ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) băn khoăn, gói hỗ trợ bằng khoảng 3-4% GDP thì Bộ trưởng chọn phương án gói hỗ trợ đủ liều nhưng vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều, không đủ kịp thời?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu chúng ta hỗ trợ bằng tiền tức là cung tiền ra thị trường dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát.
Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng có thể kiểm soát được. Bởi theo Bộ trưởng, nếu không nới thì rất khó có điều kiện tăng trưởng, không tăng trưởng thì không đạt mục tiêu, không thực hiện được các mục tiêu kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2030, 2045 để đất nước trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, chúng ta có thể sẽ để "vuột mất" các cơ hội về cách mạng 4.0, từ thời kỳ dân số vàng và lợi ích của 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
"Những chuyển dịch mới, cấu trúc mới hình thành, chúng ta rất có thể lại lỡ nhịp cuộc chơi, tụt hậu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nới nợ công và bội chi, "vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, khi quy mô nền kinh tế lớn lên, GDP lớn lên thì tự khắc nợ công và bội chi giảm xuống, tất nhiên không thể tương ứng với số cũ nhưng chúng ta có thể chấp nhận được", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu cứ dứt khoát không nới bội chi, không nới nợ công thì không có đầu tư, không có phát triển, do đó, sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn, bội chi và nợ công lúc nào cũng ở mức cao, từ đó sẽ lỡ hết các cơ hội để phát triển.