Ứng phó bão Noru: Bình Thuận lên kế hoạch sơ tán dân các xã ven biển
Chiều nay (25/9), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, để chủ động ứng phó bão Noru đang hướng về biển Đông, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, trong đó lên kế hoạch di sơ tán hàng ngàn hộ dân các xã ven biển ở đảo Phú Quý và trong đất liền.
Theo đó, tại huyện đảo Phú Quý, số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ 219 hộ/ 991 khẩu, gồm xã Tam Thanh 102 hộ/410 khẩu; xã Ngũ Phụng 20 hộ/95 khẩu; xã Long Hải 97 hộ/486 khẩu. Địa điểm di dời, sơ tán đến các trường tiểu học, trạm y tế xã, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố xung quanh. Riêng các địa phương trong đất liền,số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ tại các xã ven biển (bão cấp độ 3) gần 4.400 hộ/13.300 khẩu. Cụ thể, huyện Tuy Phong 926 hộ/3.471 khẩu; Bắc Bình 311 hộ/1.424 khẩu; TP. Phan Thiết 2.048 hộ/3.899 khẩu; Hàm Thuận Nam 170 hộ/711 khẩu; Hàm Tân 156 hộ/645 khẩu; Thị xã La Gi 764 hộ/3.161 khẩu.
Đường đi của bão Noru đến 11 giờ ngày 25/9 (ảnh TTDBKTTVQG)
Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh lưu ý, đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Do đó, các địa phương, sở ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc việc quản lý, kiểm đếm tàu thuyền ra biển hoạt động. Rà soát, kiểm tra, nắm bắt và tổ chức kêu gọi các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trong vùng nguy hiểm khi bão vào biển Đông, hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ.Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, kêu gọi, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển vào bờ và tổ chức sắp xếp, neo đậu chắc chắn; kéo tàu nhỏ lên bờ; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp mưa to gây lũ và xả lũ các hồ.
Tàu thuyền neo đậu tại TP. Phan Thiết
Mặt khác, kiểm tra, bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển và người lao động trên các lồng bè. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển chỉ đạo các xã ven biển chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học. Rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch (nếu có) tại các khu vực ven biển, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản.Đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng khi bão đổ bộ, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở. Kiểm tra, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực ngập lụt, sạt lở. Hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Cần kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn. Theo dõi, chủ động điều tiết hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, giảm tối đa thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du công trình khi phải xả lũ hồ chứa; bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi. UBND huyện Phú Quý chủ động trong mọi tình huống để không bị động khi bị cô lập, nhất là tình huống khi bị chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão Noru vào biển Đông ảnh hưởng trực tiếp. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 10 giờ sáng nay (25/9), tâm bão Noru cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 250 km về phía đông.Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, tương đương tốc độ gió từ 167 - 183 km/giờ, giật trên cấp 17.
Cũng trong chiều nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên để chỉ đạo ứng phó bão Noru. Báo Bình Thuận sẽ tiếp tục thông tin nội dung này.