Ứng phó bão Noru, tỉnh Bình Thuận có kế hoạch sơ tán dân

Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện nay đã biết diễn biến về bão và đang được các lực lượng hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.

Ngày 26/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong ký Công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND đến các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành trong tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 (Noru) đang hướng về biển Đông.

Trong đó, yêu cầu các địa phương, Sở, ngành, đơn vị liên quan tạm hoãn tất cả các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.873 chiếc/15.495 lao động; tàu thuyền tỉnh bạn đang neo đậu tại các bến trong tỉnh là 100 chiếc/940 lao động.

Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện nay đã biết thông tin, diễn biến về bão và đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn, không di chuyển vào vùng ảnh hưởng của bão.

Tại huyện đảo Phú Quý, số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ 219 hộ/ 991 khẩu, gồm xã Tam Thanh 102 hộ/410 khẩu; xã Ngũ Phụng 20 hộ/95 khẩu; xã Long Hải 97 hộ/486 khẩu. Địa điểm di dời, sơ tán đến các trường tiểu học, trạm y tế xã, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố xung quanh.

Riêng các địa phương trong đất liền, số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ tại các xã ven biển (bão cấp độ 3) gần 4.400 hộ/13.300 khẩu.

Dự kiến chiều tối ngày 27/9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Thuận, gây gió mạnh, mưa lớn.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Thuận, nhất là huyện đảo Phú Quý, bảo đảm an toàn về người, tài sản và các phương tiện hoạt động trên biển, phòng tránh gió mạnh, sóng lớn, triều cường gây sạt lở bờ biển.

Tàu thuyền neo đậu tại Tp.Phan Thiết.

Tàu thuyền neo đậu tại Tp.Phan Thiết.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, Sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, ngập lụt. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở từ 9h ngày 26/9.

Về bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè, UBND tỉnh đề nghị các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến, hướng di chuyển của bão; tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển.

Đồng thời, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để phòng tránh hoặc di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Bên cạnh đó, UBND tinh yêu cầu các địa phượng chỉ đạo và phối hợp với ban quản lý cảng, khu neo đậu tránh trú bão, tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão.

Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ven biển gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và Tp.Phan Thiết theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 (Noru); sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, nhất là vùng cửa sông, ven biển, vùng nguy cơ ngập cao, vùng bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Sẵn sàng tiển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa. Đồng thời, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở giáo dục trước, trong và sau bão…

UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão tại các cơ quan, cập nhật tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Bình Thuận. Không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, nhằm chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão, mưa, lũ, ngập lụt, giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản, tàu thuyền, công trình cơ sở hạ tầng khi bão đổ bộ, mưa lũ lớn xảy ra.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ung-pho-bao-noru-tinh-binh-thuan-co-ke-hoach-so-tan-dan-a571472.html