Ứng phó bão số 10 giật cấp 15: Sẽ cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa từ ngày mai
Ngày 13-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội đã có Công điện số 14/CĐ-BCH yêu cầu chủ động ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão. Theo đó, chủ đầu tư, các đơn vị thi công tại các công trình, đặc biệt là công trình nhà cao tầng, các cẩu tháp phải bảo đảm an toàn khi chịu ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 10 cũng như mưa lớn có thể xảy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và đề phòng sự cố các hồ chứa trên thượng nguồn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành; Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội; Công ty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội; các Công ty Thủy lợi: Sông Nhuệ, Hà Nội, Mê Linh, Sông Đáy và Sông Tích; Tổng Công ty Điện lực thành phố; Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội… theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công).
Cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Phải tăng cường kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ chứa nước đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tại các công trình, đặc biệt là công trình nhà cao tầng, các cẩu tháp phải bảo đảm an toàn khi chịu ảnh hưởng của gió bão mưa lớn.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành. Các Công ty thủy lợi triển khai tiêu kiệt nước đệm trên các kênh mương và trục tiêu chính; Công ty TNHH MTV công viên cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.
Bộ Tư lệnh Thủ đô, CATP Hà Nội chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Giao thông vận tải phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành.
Cần tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố theo quy định.
Bão số 10 đe dọa từ Thanh Hóa đến Quảng Trị
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 14/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; gió bão mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Từ sáng ngày 15/9, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 11; từ chiều 15/9, vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió bão mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Từ sáng 15/9 đến hết đêm 15/9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm. Từ chiều 15/9 đến hết ngày 16/9, mưa lớn mở rộng ra ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, khu vưc Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Thanh Hóa 300-350mm).
Sẽ cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: “Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây. Khi vào bờ, cấp độ thiên tai là 4, cấp cao nhất từ trước đến nay”. Đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, chiều 12/9 đã có công điện gửi các đơn vị thông báo ngư dân, kiểm đếm tàu thuyền. Bộ Tư lệnh cũng thông tin tới các tỉnh biên giới phía Bắc chủ động lực lượng sẵn sàng tham gia ứng cứu mưa lũ.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, việc kêu gọi tàu thuyền cần quyết liệt, từ đêm nay cần bắn pháo hiệu. Chính quyền và người dân rất dễ có tâm lý chủ quan sau mấy cơn bão yếu ảnh hưởng đến Việt Nam từ đầu năm đến nay, do đó cần chỉ đạo quyết liệt, như: cấm biển, cho học sinh vùng ảnh hưởng trực tiếp nghỉ học…
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa từ ngày 14/9, địa phương quản lý an toàn khu neo đậu, chú ý tàu vãng lai. Bộ Ngoại giao có công hàm với các nước để tạo điều kiện cho tàu thuyền tiếp cận vùng tránh trú.
Miền núi phía Bắc được chỉ đạo lên kịch bản ứng phó mưa bão vì là khu vực dễ tổn thương nhất. Hồ thủy điện Sơn La tiếp tục xả hai cửa đáy, Hòa Bình ba cửa đáy, phát điện tối đa tất cả tổ hợp cả ngày và đêm.