Ứng phó biến đổi khí hậu từ các mô hình nông lâm kết hợp

Thời gian qua, nông nghiệp Tuyên Quang tuy đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Thực trạng này buộc ngành Nông nghiệp tỉnh phải có những giải pháp ứng phó về lâu dài.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nhà khoa học khuyến cáo là tăng cường đa dạng sinh học trên vườn cây công nghiệp như trồng cây che bóng, cây đai rừng, xen cây ăn quả... hay còn gọi là nông lâm kết hợp. Mô hình nông lâm kết hợp hay phát triển kinh tế dưới tán rừng có nhiều tác dụng, như tăng hệ số sử dụng đất, tăng thêm thu nhập từ sản phẩm khác ngoài thu nhập của rừng trên cùng một đơn vị diện tích; giữ được rừng, nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng khi chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn hoặc trồng cây cho giá trị kinh tế cao, trồng cây đa mục đích. Đồng thời giảm được chi phí đầu tư mua thức ăn cho gia súc, gia cầm khi tự tìm kiếm thức ăn từ côn trùng, cỏ cây; tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương…

Mô hình nông lâm kết hợp của ông Đinh Văn Dùng, thôn 31 xã Thái Sơn (Hàm Yên)mỗi năm thu trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, Tuyên Quang có rất nhiều lợi thế để phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, nhưng trên thực tế lại chưa có nhiều mô hình tiêu biểu. Người dân chủ yếu vẫn chỉ trông chờ vào một nguồn thu nhất định, hầu hết chưa tính toán để có nhiều khoản thu nhập cùng lúc. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện chỉ có 21 mô hình nông lâm kết hợp. Trong đó, Chiêm Hóa có 6 mô hình; huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Na Hang mỗi địa phương 3 mô hình; Lâm Bình 2 mô hình. Trong số này, chỉ có 4 mô hình nông lâm kết hợp tiêu biểu, có thu nhập từ 250 triệu đồng/năm trở lên. Các mô hình này kết hợp giữa trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi dưới tán rừng…

Trang trại của anh Vương Ngọc Quang, thôn Đo, xã Bình Xa (Hàm Yên) rộng gần 20 ha, được phát triển theo 3 tầng. Tầng cao nhất anh trồng vài ha cây bản địa như dổi, sấu; tầng thứ 2 anh trồng keo, tầng thứ 3 anh trồng cây ăn quả và xây dựng xen kẽ các nhà vườn để phục vụ khách du lịch. Anh Quang chia sẻ, toàn bộ trang trại được gia đình chăm sóc theo hướng hữu cơ từ những năm 2007, việc phân chia theo tầng góp phần giúp trang trại cân bằng được hệ sinh thái và bảo vệ môi trường triệt để. Mỗi năm, từ cây ăn quả (bưởi, cam) và thu hút, phục vụ khách du lịch giúp trang trại đạt mức thu nhập gần 2 tỷ đồng.

Trang trại của ông Nguyễn Quang Hùng, thôn Trung Tâm, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) có diện tích khoảng 3 ha, trong đó có 2 ha được trồng 3 lớp cây, lớp cao để che mát là xoan, tầm trung để giữ ẩm là chuối và dưới cùng là cây lá dong. Còn hơn 1 ha trồng cây ăn quả và xây dựng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ông Hùng chia sẻ, mỗi năm trang trại có nguồn thu ổn định khoảng 250 triệu đồng, riêng thu từ lá dong, bán chuối mỗi tháng duy trì từ 10 - 12 triệu đồng.

Từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ về kỹ thuật, các thủ tục thành lập trang trại và cây, con giống cho một số mô hình nông lâm kết hợp tại các địa phương. Đã hướng dẫn hộ gia đình ông Vũ Văn Trung, thôn 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên), hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận trang trại để vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức cho một số hộ sản xuất nông lâm kết hợp đi tham quan học tập mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức. Đồng thời, từ lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ 800 cây dổi (tương đương 1 ha) cho hộ ông Hà Văn Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) và 4.150 cây sa nhân (tương đương 2,5 ha) cho 3 mô hình của ông Hà Quang Mai, xã Tân An (Chiêm Hóa); ông Bùi Ngọc Nhu, xã Lương Thiện (Sơn Dương); ông Vũ Văn Trung, xã Thái Sơn (Hàm Yên) trồng dưới tán rừng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, để các mô hình nông lâm kết hợp được nhân rộng và đem lại hiệu quả tích cực, cần xây dựng được những mô hình trồng rừng bằng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như lát, dẻ, kháo, chò chỉ hoặc đa tác dụng vừa cho gỗ vừa cho quả như cây dổi, trám, sấu. Đồng thời, khuyến khích người dân học tập, mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng như cây sa nhân, cây khôi nhung, ba kích hay kết hợp chăn nuôi như lợn đen bản địa, gà xương đen thịt đen...

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ung-pho-bien-doi-khi-hau-tu-cac-mo-hinh-nong-lam-ket-hop-127243.html