Ứng phó của Việt Nam ra sao khi WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Liên quan đến thông tin này, ngày 6-5, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: 'Dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì'.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tuyên bố của WHO được đưa ra dựa trên những bằng chứng rằng Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người, cụ thể là dựa vào khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao. Thêm vào đó, độc lực của vi rút gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù vi rút SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ.
Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đây là cơ sở để WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì. Thực tế WHO cũng đã xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
Về các biện pháp ứng phó của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để chúng ta xem xét đánh giá tình hình dịch trong nước.
“Thực tế, dịch bệnh có tính chất đại dịch thì tình hình và nguy cơ dịch trên thế giới có liên quan nhiều đến Việt Nam và ngược lại. Với Covid-19 cũng vậy, khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Với những trường hợp này, bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các vi rút gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với Covid-19.
Về việc Việt Nam có nên xem xét loại Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi là bệnh thông thường như cúm mùa, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vấn đề này, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét.
“Tôi cho rằng dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ. Dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí, nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như bảo đảm được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân”, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dựa trên những khuyến cáo của WHO trong kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược Covid-19 giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch này được thiết kế để hướng dẫn các quốc gia chuyển đổi sang quản lý Covid-19 lâu dài. WHO đã vạch ra các hành động quan trọng để các quốc gia xem xét cho 5 lĩnh vực, bao gồm: Giám sát hợp tác, bảo vệ cộng đồng, chăm sóc an toàn và có thể mở rộng, tiếp cận các biện pháp đối phó và phối hợp khẩn cấp.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, WHO cũng đã ban hành khuyến nghị tạm thời cho tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm duy trì việc tăng năng lực quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê. Trong đó có lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng trong suốt cuộc đời; tập hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu giám sát mầm bệnh đường hô hấp đa dạng để cho phép nhận thức tình huống toàn diện; chuẩn bị cho các biện pháp đối phó y tế được cho phép trong khuôn khổ pháp lý quốc gia, để bảo đảm nguồn cung và sẵn có lâu dài; tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp y tế liên quan đến du lịch quốc tế liên quan đến Covid-19; tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để cải tiến các loại vắc xin làm giảm sự lây truyền và có khả năng ứng dụng rộng rãi…