Ứng phó hạn mặn, hạn chế ảnh hưởng đời sống người dân
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, trong đó xâm nhập mặn là một trong rất nhiều hậu quả do biến đổi khí hậu gây nên.
Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn đã và đang diễn biến khó lường, đòi hỏi cần phải tiếp tục có những giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân tại các địa phương khu vực nêu trên.

Hoa màu của nông dân huyện Trần Văn Thời đang đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
*Xâm nhập mặn phức tạp
Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán.
Xâm nhập mặn đã và đang xảy ra ở Cà Mau dẫn đến khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.
Mùa khô năm nay, dự báo tình hình xâm nhập mặn ở Cà Mau sẽ diễn biến càng gay gắt hơn, nghiêm trọng hơn dưới sự tác động tiêu cực của biến đối khí hậu so những mùa khô năm trước. Mùa khô gần nhất (năm 2023 - 2024), xâm nhập mặn đã gây ra sụt lún và sạt lở 730 vị trí với tổng chiều dài gần 20 km; trong đó, lộ bê tông gần 15 km và hơn 4 km lộ đất. Bên cạnh đó, tỉnh có khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán; diện tích cua nuôi quảng canh kết hợp bị bệnh gần 8.000 ha; diện tích nuôi tôm quản canh cải tiến bị bệnh, thiệt hại từ 35-75% là gần 20.000 ha; xảy ra 2 vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,54 ha rừng...
Tại tỉnh Kiên Giang, các địa phương thuộc vùng U Minh Thượng bao gồm các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng là khu vực thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại do xâm nhập mặn trong thời gian qua.
Là một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề trồng chuối ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Gia đình sản xuất trên diện tích 2ha. Từ cuối tháng 11 âm lịch, gia đình đã bơm nước dưới kênh lên đầy các ao trong vườn trữ lại để đủ nước tưới cho vườn cây trong mùa khô năm nay. Theo ông Thắng, nhiều năm nay các tuyến kênh, sông ở địa phương thường bị rút nước, cạn dần từ tháng 1 đến tháng 3 và đến tháng 4 cạn khô.
“Đến thời điểm hiện tại, nước dưới kênh ấp Minh Kiên rút hơn 60%, mực nước chỉ còn ở đáy kênh nên nông dân rất khó bơm nước vào vườn. Tuy nhiên, đa số người dân đã chủ động bơm trữ nước nên đến nay vẫn đảm bảo cho việc tưới nước cho rau màu, vườn cây cũng như việc sinh hoạt gia đình. Riêng các ao trong vườn chuối nhà tôi mực nước còn sâu hơn 2 mét đủ nước tưới đến cuối tháng 4/2025 này”, ông Thắng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mười (70 tuổi), ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên, gia đình bà được tặng 2 bồn chứa nước để dự trữ nước mưa sử dụng trong mùa khô hàng năm. Cùng với đó, gia đình mua thêm 2 bồn nữa với tổng lượng nước dự trữ hơn 4.000 lít. Gia đình bà Mười dùng các bồn nước mưa này để uống và nấu ăn, còn các sinh hoạt khác như tắm, giặt bà Mười sử dụng nước từ giếng khoan. Tuy nhiên, theo bà Mười, nguồn nước từ giếng khoan hôi sình, có vị mặn và nhiễm phèn cũng khá bất tiện.
Đối với tỉnh Bến Tre, theo các ngành chức năng tỉnh, hiện nay, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 42,5-58,4 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 52,9-70,5 km.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre Đặng Hoàng Lam cho biết, xâm nhập mặn vào các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại trên nhánh sông Hàm Luông. Xâm nhập mặn bắt đầu sớm, biên mặn xâm nhập đến ấp Thanh Sơn 4, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 51,2 km. Trên sông Cổ Chiên, mặn xâm nhập đến ấp Cầu Cống, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 51 km.
Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày tới (11-20/4/2025), Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, xu thế xâm nhập mặn ởkhu vực trên có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2024, riêng một số trạm ở Trà Vinh, Bến Tre có độ mặn cao hơn.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ thời kỳ này trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 45 - 60 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 37 - 43 km; sông Hàm Luông là 50 - 55km; sông Cổ Chiên là 40 - 45 km; sông Hậu là 35 - 40 km; sông Cái Lớn là 30 - 35 km.
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn còn tăng cao từ ngày 27/4 - 1/5, từ giữa tháng 5 xâm nhập mặn giảm dần.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-han-man-han-che-anh-huong-doi-song-nguoi-dan/369543.html