Ứng phó khi sông Đà cạn nước

Dù mưa đã xuất hiện nhưng nước vẫn chưa đủ. Nước sông Đà vẫn xuống thấp, người dân nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình cũng như khu vực hạ lưu gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như kinh tế của bà con.

Sáng ngày 14/6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình cách mực nước chết 22m.

Sáng ngày 14/6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình cách mực nước chết 22m.

Nước sông Đà xuống thấp

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết sáng 14/6 tại lòng hồ Hòa Bình, mực nước xuống thấp ở mức 102m, cách mực nước chết 22m, nhiều tàu thuyền tại khu vực cảng Bích Hạ neo đậu tại chỗ, san sát nhau.

Trao đổi với PV, chị Bùi Thị Lưu, công nhân cơ sở nuôi cá lồng thuộc Công ty TNHH Cường Thịnh (Cường Thịnh Fish) cho biết, mặc dù mới có mưa nhưng trước đó, mực nước trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình ngày càng xuống thấp, tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi cá lồng của công ty cũng như các hộ dân nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Theo chị Lưu, khi mực nước trên hồ xuống thấp, công nhân sẽ phải tháo bè để đẩy các lồng cá ra xa hơn bờ sông, nơi có mực nước đủ để đảm bảo cho đàn cá phát triển bình thường, bởi mùa này nước hay bị đục và thiếu oxy cho cá. Công đoạn này tốn khá nhiều thời gian cũng như công sức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đàn cá. Ngoài ra, với thời tiết nắng nóng kéo dài, sẽ phải giảm khoảng 50% lượng thức ăn và lắp thêm các hệ thống quạt mát để tăng oxy. Đồng thời, phải tắm muối iod và bổ sung vitamin C cho đàn cá.

Tiếp tục ghi nhận phía hạ lưu của Thủy điện Hòa Bình, mực nước trên sông Đà rất thấp, nhiều nơi có thể nhìn thấy đáy sông, trơ trọi sỏi đá, nước xuống thấp từ trên bờ có thể quan sát thấy móng cầu Hòa Bình 1, cầu Hòa Bình 2 và cầu Hòa Bình 3. Tại xóm chài đoạn sát chân cầu Hòa Bình 2 (thuộc phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình), ông Ngô Văn Hải (47 tuổi) cho biết, xóm chài này có 5 gia đình sinh sống khoảng hơn chục năm nay, cả xóm mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản và nuôi thêm cá lồng trên sông Đà. Trong mấy ngày nước sông Đà cạn, cá theo dòng nước rút hết xuống hạ nguồn nên người dân trong xóm không đánh bắt được nhiều, chưa kể mực nước xuống thấp và nhanh khiến cá nuôi nhốt trong lồng bị chết, thiệt hại nặng nề.

“1 - 2 ngày gần đây bắt đầu có những cơn mưa lớn, nước trên sông Đà có phần dâng trở lại, việc đánh bắt thủy sản có phần thuận lợi hơn, nhưng “thở phào” hơn cả là có nước thì chúng tôi sẽ đẩy bè cá lồng ra được giữa lòng sông để cá có thể sống, chứ cạn trơ trọi như mấy hôm vừa rồi thì cả xóm chài này không biết sống kiểu gì” - ông Hải nói.

Cách nhà ông Hải không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Tươi (52 tuổi), cũng lo lắng vì mực nước xuống quá thấp khiến việc đánh bắt cá của gia đình gặp nhiều khó khăn, họa may có bắt được thì chỉ toàn cá nhỏ, giá trị không lớn, chỉ đủ để dùng làm thức ăn cho bữa cơm hàng ngày.

“Từ ngày sinh sống ở xóm chài này (khoảng năm 2010), chưa năm nào tôi thấy nước sông Đà cạn đến thế, nhà tôi có 4 người, cuộc sống thường ngày chỉ biết bám vào dòng sông. Giờ sông cạn nước, chúng tôi cũng không biết làm gì để kiếm sống. Khổ nhất là 4 lồng cá của gia đình tôi đã chết hơn một nửa do nước cạn quá nhanh, không kịp đẩy ra giữa lòng sông, thiệt hại cỡ cũng hơn 20 triệu đồng” - chị Tươi buồn rầu nói.

Theo ông Hoàng Văn Son - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình), tuy mực nước trên hồ Hòa Bình có xuống thấp nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi cá lồng của các đơn vị, hộ gia đình trên lòng hồ, tình hình nuôi trồng căn bản ổn định. Phía khu vực hạ lưu của Thủy điện Hòa Bình mực nước xuống thấp, khiến việc đánh bắt thủy sản của bà con bị hạn chế. Ở khu vực này cũng không có việc nuôi cá lồng, những lồng cá dựng lên ở các xóm chài chỉ là để nhốt tôm, cá mà bà con đánh bắt được cho tiện chăm sóc.

Ông Son cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn căn bản ổn định, diện tích nuôi cá ao, cá ruộng là 2.698ha (trong đó nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi là 1.200ha). Số lồng nuôi cá là 4.930 lồng, sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.138 tấn, đạt 99,6% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra. Bao gồm các loại cá như Nheo Mỹ, cá Chiên, cá Lăng, Diêu hồng, Trắm đen…

Nước ở hạ lưu đập thủy điện xuống thấpảnh hưởng tới người dân.

Nước ở hạ lưu đập thủy điện xuống thấpảnh hưởng tới người dân.

Hồ thủy điện vẫn thiếu nước

Thông tin về mực nước hiện tại trên hồ Hòa Bình cũng như phương án vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong điều kiện mực nước giảm sâu hoặc có thể về mực nước chết, ông Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho biết, hiện mực nước trên hồ Hòa Bình là trên 102m, cách mực nước chết 22m. Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, nhất là hồ Sơn La và Lai Châu đã về gần mực nước chết thì Thủy điện Hòa Bình vừa phải đảm bảo vai trò dự phòng công suất cho hệ thống, vừa phải đảm bảo cung cấp sản lượng điện đáp ứng nhu cầu cung cấp điện. Nên việc vận hành thủy điện Hòa Bình phải phù hợp, thường xuyên phải điều chỉnh theo nhu cầu hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Hòa, việc phát hết công suất như hiện tại với 8 tổ máy (công suất tối đa 1.920MW) thì thủy điện Hòa Bình chỉ có thể duy trì trong khoảng 12-13 ngày nữa. Hiện nhà máy đang thực hiện vận hành theo kế hoạch điều động hệ thống điện Quốc gia, đồng thời vận hành linh hoạt, công suất phát thay đổi từng giờ theo nhu cầu cấp điện, có thời điểm phát tối đa, có thời điểm phát thấp. Lượng nước trong ngày đảm bảo đủ cho nhu cầu vùng hạ lưu. Hiện tại, vùng hạ lưu đập vẫn luôn đảm bảo lưu lượng nước ở mức tối thiểu theo quy định.

“Nếu trong tình trạng về mực nước chết (cao trình 80m) thì nhà máy sẽ xem xét, nghiên cứu các thông số kỹ thuật để có thể vận hành phát điện dưới mực nước chết hay không. Hiện tại chưa thể đánh giá được vì còn phụ thuộc vào thời tiết, như gần đây có vài đợt mưa lớn, lưu lượng nước về hồ khoảng 600m3/giây thì còn có thể duy trì, nhưng cũng không được bao lâu nếu cứ phát điện hết công suất như hiện tại. Trước đây, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từng có 3 đến 4 lần chạm mực nước chết, và đã từng vận hành phát điện ở mực nước chết” - ông Hòa thông tin.

Theo ông Hòa, phía công ty và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia luôn có sự cập nhật thông tin thời tiết hàng ngày, 5 ngày, 10 ngày. Và theo nội dung dự báo thì có thể phải đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới có mưa và thoát khỏi tình trạng cạn nước như hiện nay.

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng; đoạn chảy trong Việt Nam 543km; qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Điểm cuối là ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, hợp lưu với sông Hồng. Sông Đà có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn cho ngành công nghiệp điện. Năm 1994, khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy. Lưu vực sông Đà có tiềm năng tài nguyên to lớn với nhiều loại khoáng sản quý hiếm, các hệ sinh thái đặc trưng bao gồm các nguồn sinh vật với mức đa dạng sinh học cao.

Ứng phó với thời tiết nắng nóng, hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người dân: Đối với ao nuôi, cần duy trì mực nước trong ao trên 1,5m, hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống trong những ngày nắng nóng; bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3g/kg thức ăn; phòng bệnh cho cá bằng cách cho vôi bột vào túi vải treo ở các điểm cho ăn mỗi túi từ 3-4 kg vôi. Đồng thời, cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát, khi nhiệt độ nước trên 35 độ C thì giảm lượng thức ăn xuống 1/3. Đối với cá nuôi lồng trên sông, hồ phải thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, khi mực nước trên hồ giảm cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển đến nơi có mực nước sâu, đảm bảo độ sâu ở mức 2,5-3m. Tăng cường đề kháng bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa...

Thành Dân-Hoàng Sa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ung-pho-khi-song-da-can-nuoc-5720723.html