Ứng phó thiên tai: Sống còn nhờ dinh dưỡng đúng cách
Ngày 28-29/4, tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo 'Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ các chính sách, kế hoạch can thiệp và giải pháp đảm bảo dinh dưỡng khi thiên tai gây cô lập kéo dài tại khu vực duyên hải miền Trung.
Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã thảo luận các nội dung như: Cơ chế và chính sách về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; Các can thiệp trong dinh dưỡng khẩn cấp và ứng phó thiên tai; Hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống và ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; Hệ thống ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ các đáp ứng khẩn cấp đã thực hiện…
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai cực đoan, mà trong đó, Bắc Bộ và duyên hải miền Trung là những khu vực có mức độ ác liệt hơn so với các vùng miền khác. Khái niệm “Ứng phó dinh dưỡng trong phòng chống thiên tai” là một vấn đề khá mới, song rất quan trọng, cần được quan tâm trong giai đoạn tới. Hoạt động này cũng là một nội dung được chỉ đạo tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Thực tế cho thấy, nhiều cơn bão, lũ lịch sử đã xảy ra gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ở nước ta. Sau khi bão, lũ tàn phá, trẻ em và các gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng vẫn phải đối mặt với những thiếu thốn và nguy cơ nghiêm trọng. Hệ thống y tế và nước sạch vẫn bị hư hại, làm gián đoạn việc tiếp cận nước uống an toàn và vệ sinh, đồng thời tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai, cho con bú có nguy cơ suy dinh dưỡng do dịch vụ y tế và các dịch vụ khác bị gián đoạn…
Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Đức Ngàn, Khoa Dinh dưỡng Cộng đồng - Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) có 4 nguyên tắc chính của ứng phó trong dinh dưỡng khẩn cấp đó là: đảm bảo quyền con người, không thiên vị, trung lập và độc lập. Việc cung cấp dinh dưỡng trong ứng phó khẩn cấp phải đảm bảo quyền của người dân; sự hỗ trợ phải tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương nhất và có nhu cầu cao nhất… Các hành động ứng phó khẩn cấp được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sơ tán, giai đoạn từ 24 giờ đến 72 giờ và sau 72 giờ.
Số liệu thống kê cho thấy trung bình mỗi năm thiên tai đã làm thiệt hại kinh tế từ 1 - 1,5% GDP, đồng thời làm cản trở quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Việt Nam đang đối diện với những thách thức, khó khăn trong ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, kinh phí dành cho việc ứng phó khẩn cấp còn rất hạn chế, phần lớn các địa phương không có sẵn kinh phí để dự phòng trong khi đó nguồn Trung ương và hỗ trợ quốc tế bị giảm đáng kể. Bên cạnh đó, mạng lưới ứng phó khẩn cấp thiếu kinh nghiệm, thường xuyên thay đổi nên không chủ động được khi thiên tai xảy ra…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho rằng, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong ứng phó thảm họa. Việt Nam đang tăng cường hệ thống ứng phó và cần sự phối hợp giữa ngành y tế và các bên liên quan. Các giải pháp để nâng cao đáp ứng dinh dưỡng khi ứng phó với thảm họa thiên tai là: Tăng cường dự bị lương thực, thực phẩm cứu trợ; Tổ chức hệ thống giám sát dinh dưỡng khẩn cấp; Truyền thông nguy cơ dinh dưỡng và khôi phục; Hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-thien-tai-song-con-nho-dinh-duong-dung-cach/371850.html