Ứng phó trước ảnh hưởng của bão mạnh

'Các địa phương thông báo cho chủ tàu thuyền biết diễn biến của bão số 3, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh. Ngành nông nghiệp chỉ đạo khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu còn lại theo phương châm 'xanh nhà hơn già đồng', tránh thiệt hại do mưa bão', đó là những yêu cầu mà Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) lưu ý đối với các ban ngành, địa phương nhằm ứng phó với cơn bão số 3.

 Tàu thuyền tránh trú an toàn tại cảng Thuận An (TP. Huế)

Tàu thuyền tránh trú an toàn tại cảng Thuận An (TP. Huế)

Chủ động

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Dự báo đây là cơn bão mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an toàn hoạt động của tàu thuyền trên biển.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 25.324ha lúa. Đến nay, diện tích đã thu hoạch khoảng 24.989ha (đạt tỷ lệ 99%). Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương phải cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu. Số diện tích còn lại tập trung chủ yếu ở huyện A Lưới, phải thu hoạch xong trong ngày 10/9.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, A Lưới về cơ cấu giống lúa cơ bản giống vùng đồng bằng dành cho vụ hè thu là giống ngắn ngày. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, dẫn đến cây lúa sinh trưởng chậm hơn. Đến nay vẫn còn khoảng gần 400ha lúa (trên tổng số hơn 1.000ha) chưa thu hoạch xong, nằm rải rác ở các xã. Dự kiến đến ngày 5/9 sẽ thu hoạch thêm 100ha và đến ngày 10/9 sẽ thu hoạch hết số diện tích còn lại.

“Với đặc thù là ruộng bậc thang, nước rút nhanh, không lo ngập úng, các địa phương đang chờ lúa chín để thu hoạch. Huyện cũng yêu cầu rà soát số lượng máy gặt trên địa bàn để có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý và có kế hoạch để chủ động huy động lực lượng tại cơ sở sẵn sàng giúp dân thu hoạch lúa kịp thời”, ông Lập cho biết thêm.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 4-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 16 vùng gần tâm bão. Sóng biển cao 5-7m, biển động dữ dội, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền. Hiện các địa phương vùng ven biển của tỉnh đã chủ động theo dõi sát diễn biến của bão, gió mạnh, sóng lớn trên biển trong những ngày tới nhằm có phương án chuẩn bị ứng phó phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, Phú Thuận là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi mưa bão. Do vậy, từ đầu năm, xã đã có phương án chủ động ứng phó thiên tai, trong đó chú trọng các vùng xung yếu trên địa bàn.

Theo đó, các vùng thấp trũng như khu vực Cồn Sơn, Tân An, khu tái định cư Xuân An và các hộ làm nghề đáy, cũng như số đơn vị tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ đều bố trí lực lượng xung kích đến sớm để hỗ trợ, hướng dẫn bà con chủ động phòng tránh. Có kế hoạch chủ động di dời dân ở vùng sạt lở bờ biển, vùng thấp trũng để ổn định đời sống và trật tự xã hội trong khi bão, lụt đổ bộ địa bàn.

Đảm bảo sản xuất thắng lợi

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, để chủ động ứng phó với bão số 3, ban đã có văn bản yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương thông báo cho các chủ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 3, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất, đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Nhanh chóng thu hoạch gọn diện tích lúa hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; trong trường hợp chưa thu hoạch kịp, phải có phương án bảo vệ diện tích lúa còn lại.

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, đảm bảo sản xuất vụ hè thu thắng lợi, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương đôn đốc các hợp tác xã nông nghiệp huy động tối đa công suất của các loại máy gặt và sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ hè thu; cần bố trí gặt ban đêm nếu hầu hết diện tích lúa đã chín.

Các địa phương chủ động huy động các lực lượng tại cơ sở để giúp người dân thu hoạch lúa kịp thời. Đồng thời, tranh thủ thu hoạch rau màu và các loại cây trồng khác ở các vùng thấp trũng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các địa phương cũng tổ chức kiểm tra hệ thống kênh mương, gia cố đê bao nội đồng, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để kịp thời xử lý khi có mưa lớn. Đối với vùng thấp, xung yếu, cần gia cố bờ vùng, tôn cao để ngăn lũ sớm.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp các địa phương, đơn vị triển khai bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là đối với các vùng trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, công trình thi công, bảo vệ sản xuất nông nghiệp...

Đối với các công trình thủy lợi do Công ty TNHH NN MTV Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý, Sở NN&PTNT yêu cầu đơn vị này phối hợp với các địa phương kiểm tra, bố trí nhân lực khơi thông dòng chảy, gia cố đê bao nội đồng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, nhân lực để chủ động tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại đối với cây trồng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ung-pho-truoc-anh-huong-cua-bao-manh-145648.html