Ứng phó với bão Noru: Kon Tum cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học

Kon Tum đang triển khai các giải pháp ứng phó, không để bị động trước cơn bão số 4 (bão Noru), trong đó tỉnh thống nhất cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.

Người dân gia cố nhà cửa chống bão. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Người dân gia cố nhà cửa chống bão. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru), chiều 26/9, trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to.

Theo dự báo, bão số 4 có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum, nguy cơ gây ra nhiều thiệt hại, xảy ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan.

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương, ngành triển khai các giải pháp ứng phó, không để bị động trước cơn bão, trong đó thống nhất cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tổ chức ba đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương kiểm tra tại các địa phương xung yếu. Người đứng đầu các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát công tác ứng phó với bão số 4 đối với các lĩnh vực thuộc đơn vị phụ trách.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hòa nhận định do cơn bão số 4 có cường độ mạnh nên các cơ quan, ban ngành, địa phương cần rà soát lại các công trình nhà cửa, giao thông để chủ động chằng chéo; bố trí lực lượng để ngăn người dân di chuyển qua các vị trí xung yếu, ngập lụt.

Lực lượng chức năng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vì sự an toàn cần thiết có thể cưỡng chế; khởi động lại hệ thống liên hồ chứa để ngăn chặn tình trạng các hồ chứa xả lũ, gây ảnh hưởng đến người và tài sản khu vực hạ du; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cứu trợ các khu vực bị chia cắt…

Dự báo Kon Tum là tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 4, cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3. Dự báo sau khi qua Quảng Ngãi, bão sẽ đi thẳng vào Kon Tum với mức gió ở cấp 6-9, giật cấp 11.

Với cấp gió này, bão có khả năng cao gây ra thiệt hại lớn, nhất là các công trình nhà ở và tính mạng nhân dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi bão đi qua, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão tỉnh phân công lực lượng triển khai kiểm tra công tác phòng, chống bão, nhất là tại các xã trọng điểm Pờ Ê, Hiếu, Đăk Nên, Ngọc Tem, Đăk Ring, Măng Bút (huyện Kon Plong); Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông); Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Man (Đăk Glei).

Ngoài ra, các thành viên trong Ban chỉ đạo, các sở, ngành kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo công tác ứng cứu, ứng phó, khắc phục trong và sau cơn bão.

Lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chặt với các đơn vị bộ đội chuẩn bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi tình huống xấu xảy ra. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão tỉnh làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi, không để xảy ra tình trạng ngập lụt ở vùng hạ du do xả lũ.

Các huyện, thành phố tổ chức trực 24/24h từ tối 26/9 đến hết ngày 29/9 để xử lý tình huống. Lãnh đạo các các huyện, thành phố phải xuống tận các xã để triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 4; chỉ đạo thực hiện phương châm “bốn tại chỗ," hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân...

Tại huyện Tu Mơ Rông, Ủy ban Nhân dân huyện đã xác định được các vị trí xung yếu, có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 4, trong đó có 87 điểm giao thông, 57 công trình thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, có 31 vị trí khu dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét, có nhà tốc mái.

Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng phương án sơ tán người dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến các điểm trường học; nhà rông thôn và hội trường của các xã.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm, cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, xã, lực lượng xung kích tại các xã nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó bão số 4 với tổng số lực lượng khoảng 1.000 người.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các xã rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án, có kế hoạch cụ thể, chi tiết; lập kế hoạch di dời dân và chuẩn bị phương tiện để di dời khi có hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với một số điểm xung yếu có nguy cơ bị sạt lở.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ ngày 27-29/9, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa có khả năng đạt từ 150-350mm/đợt; gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc và ngập úng ở vùng trũng thấp. Vì vậy, các địa phương, ngành và nhân dân cần chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó.

Cụ thể, từ chiều 27-29/9, bão số 4 có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, lượng mưa có khả năng đạt từ 150-250mm, khu vực các huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông và Đăk Glei khả năng đạt từ 250-350mm.

Do lượng mưa lớn, từ ngày 27/9, mực nước trên các sông tại Kon Tum sẽ dâng cao, có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, với biên độ lũ đạt từ 2,5-4m, mực nước lớn nhất đạt từ mức báo động cấp 2 đến trên mức báo động cấp 3.

Dự báo, nước lũ có nguy cơ gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc các huyện Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xác định ở cấp 2./.

Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ung-pho-voi-bao-noru-kon-tum-cho-hoc-sinh-toan-tinh-nghi-hoc/820368.vnp