Ứng phó với bão, sạt lở đất ở Cần Giờ
Ảnh hưởng của cơn bão số 3, những ngày qua, tại địa bàn huyện Cần Giờ đã xảy ra nhiều trận mưa lớn, sóng biển cao 4-6m. Ban CHQS huyện Cần Giờ đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ giúp các hộ dân ven biển chằng chống, gia cố nhà cửa; neo đậu tàu, thuyền.
Thượng tá Châu Văn Go, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cần Giờ cho biết: "Đây là một trong những việc làm cụ thể, chủ động của đơn vị, nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai bất thường trong mùa mưa bão năm nay".
Huyện Cần Giờ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 75km về hướng Đông Nam, có chiều dài bờ biển 23km, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, bão, dông lốc, triều cường, sạt lở đất, đặc biệt là các xã ven sông Lòng Tàu, Soài Rạp, ven biển. Hiện, Cần Giờ xác định có 32 khu vực xung yếu, trọng điểm phải ứng cứu, di dời dân khi bị ảnh hưởng bão, triều cường. Chủ động phòng, chống thiên tai, Ban CHQS huyện Cần Giờ đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đơn vị phối hợp với các ban, ngành có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức nhân dân về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ban CHQS huyện chủ động phối hợp điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng phương án ứng phó với bão mạnh. Đơn vị quan tâm xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện tốt chương trình huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên về kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tình huống ứng phó với bão, lốc xoáy, sạt lở đất, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu...
Hơn 10 năm qua, Ban CHQS huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức 12 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Địa phương chủ động xây dựng khu vực tránh trú cho tàu, thuyền neo đậu an toàn khi có bão. Các đơn vị thường xuyên phối hợp kiểm tra các địa bàn xung yếu; huy động lực lượng gia cố bờ bao, xây dựng phương án di dời dân trong các tình huống và chủ động cập nhật, nắm diễn biến thời tiết; dự báo, cảnh báo kịp thời; bảo đảm khả năng xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống thiên tai.