Ứng phó với bão số 3: Điều chỉnh mực nước hồ chứa thủy lợi để chủ động đón lũ
Các hồ chứa có cửa van xả lũ tiếp tục thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du.
Ngày 6/9, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
đã có công điện số 07/CĐ-TL-ATĐ về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng do ảnh hưởng của bão số 3 ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Thủy lợi điện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc các Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3.
Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và đề phòng ngập lụt, úng, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị thực hiện các công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; số 6475/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 02/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với bão gần biển Đông; số 06/CĐ-TL-ATĐ ngày 04/9/2024 của Cục trưởng Cục Thủy lợi về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông; chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.
Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, tiếp tục thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; trường hợp mất điện lưới, phải đảm bảo vận hành tràn xả lũ theo phương án dự phòng.
Các đơn vị đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; trong đó yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công rà soát, thực hiện nghiêm phương án ứng phó với thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập trong quá trình thi công. Các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.
Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Theo Cục Thủy lợi, đến 7h ngày 6/9, dung tích bình quân của các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ đạt từ 80 - 96% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa lớn như hồ Núi Cốc đạt 99% dung tích thiết kế; hồ Đại Lải đạt 90%; hồ Cấm Sơn đạt 90% dung tích thiết kế.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích bình quân của các hồ thủy lợi đạt từ 43 - 65% dung tích thiết kế. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đang vận hành xả tràn với lưu lượng 20 m3/s.
Các hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như: hồ Cửa Đạt còn 832,72 triệu m3 để trữ lũ; hồ Ngàn Trươi còn 617,17 triệu m3; hồ Tả Trạch còn 570,07 triệu m3. Các hồ chứa này được khuyến cáo vận hành như hiện nay.