Ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với bệnh đậu mùa khỉ khi dịch đang diễn biến phức tạp tại châu Phi, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này. Tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu giám sát đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc bàn tay, bàn chân...

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc bàn tay, bàn chân...

Diễn biến phức tạp

Theo WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus gây ra, có thể lây từ động vật sang người, nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân thể gần gũi. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau nhức cơ bắp và tổn thương vùng da rộng như mụn nhọt. Biến thể 1b gây phát ban da khắp cơ thể, trong khi các biến thể trước đó gây tổn thương cục bộ quanh miệng, mặt hoặc bộ phận sinh dục. Căn bệnh này trước đây gọi là bệnh đậu mùa, được phát hiện lần đầu tiên ở người ở CHDC Congo vào năm 1970.

Hồi tháng 5/2022, các ca nhiễm đậu mùa khỉ đã tăng vọt trên toàn thế giới. Khi đó WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vào tháng 7/2022, và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023.

Ngày 14/8/2024, WHO lại ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) vì đậu mùa khỉ ở châu Phi trong bối cảnh ghi nhận số ca nhiễm chủng Clade 1b gia tăng nhanh chóng ở châu lục này sau thời gian tạm lắng dịu ( tăng 160% so với cùng kỳ năm 2023).

Dịch đậu mùa khỉ hiện nay đã lan rộng và ảnh hưởng đến 17 quốc gia châu Phi cũng như một số quốc gia bên ngoài lục địa với đối tượng ảnh hưởng chính là những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi. Diễn biến của dịch đặc biệt nghiêm trọng tại CHDC Congo. Bộ Y tế CHDC Congo cho biết quốc gia này đã ghi nhận 15.664 trường hợp nghi ngờ và 548 trường hợp tử vong kể từ đầu năm đến nay, song theo con số mới nhất được công bố ngày 19/8, CHDC Công đã có 16.700 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ với hơn 570 trường hợp tử vong được báo cáo.

Trong bối cảnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, WHO cảnh báo về khả năng lây truyền gia tăng ra toàn cầu và ngày 17/8, WHO đã kêu gọi các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. WHO cũng đang yêu cầu các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ quyên góp cho các quốc gia đang có dịch bệnh bùng phát.

Nguy cơ bệnh xâm nhập

Trong bối cảnh đậu mùa khỉ diễn biến phức, nhiều nước đã triển khai các biện pháp, cũng như đưa ra khuyến nghị nhằm phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Thụy Điển là quốc gia ngoài châu Phi đầu tiên phát hiện Biến thể 1b của bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 15/8, Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển đã ghi nhận trường hợp nhiễm chủng Clade 1b và đây là trường hợp đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu ngày 16/8 đã nâng mức cảnh báo rủi ro đối với bệnh đậu mùa khỉ và yêu cầu các quốc gia tiếp tục theo dõi du khách đến từ các khu vực bị ảnh hưởng.

Ấn Độ ngày 19/8 đã chuẩn bị các phương án nhằm đối phó với tình hình đậu mùa khỉ đang lây lan trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, giới chức Ấn Độ đã thông báo tới các bộ phận chức năng tại các sân bay, cảng và biên giới với Bangladesh và Pakistan nhằm nâng cao cảnh giác đối với những những hành khách quốc tế nhập cảnh có biểu hiện triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ.

Tại Trung Quốc, nhà chức trách cũng đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa virus đậu mùa khỉ nhập cảnh nước này. Theo đó bắt đầu từ ngày 15/8, những người nhập cảnh Trung Quốc từ các nước và khu vực đã xác nhận có ca mắc đậu mùa khỉ phải khai báo với hải quan nếu đã tiếp xúc với trường hợp nhiễm virus hoặc xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban. Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines … cũng đã quyết định tăng cường các biện pháp kiểm dịch và giám sát sau khi WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 17/8, ngành y tế TP HCM cho biết, ghi nhận 49 người mắc bệnh đậu mùa khỉ, không có trường hợp nào tử vong, trong 7 tháng đầu năm nay.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6-13 ngày, không phát hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Đến giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác. Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày với sự xuất hiện của các ban, mụn nước trên da. Ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Để phát hiện sớm bệnh, người dân cần chú ý đến các dấu hiệu như sốt trên 38,5°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Cơ thể xuất hiện các nốt mụn nước hoặc mụn mủ. Đặc biệt có lịch sử tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

Để ứng phó đậu mùa khỉ hiệu quả, WHO khuyến nghị Việt Nam kích hoạt hoặc thiết lập ngay các cơ chế phối hợp đa ngành. Tăng cường các hệ thống giám sát và theo dõi tiếp xúc hiện có, nâng cao năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, xây dựng phác đồ chăm sóc điều trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên y tế đảm bảo sớm phát hiện ca bệnh, chăm sóc, cách ly người nhiễm...

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-pho-voi-benh-dau-mua-khi-10288709.html