Ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn
Hiện đang vào giữa mùa khô, cao điểm của xâm nhập mặn nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương theo dõi kỹ dự báo, tích trữ nước ngọt tối đa và sử dụng tiết kiệm.
Mùa khô 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long được các cơ quan chuyên môn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát, dự báo sớm (từ tháng 10/2023) và thường xuyên cập nhật phù hợp với diễn biến thực tế. Đến nay có thể khẳng định mức độ xâm nhập mặn sát với thông tin đã được dự báo. Tuy nhiên, hiện đang vào giữa mùa khô, cao điểm của xâm nhập mặn nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi kỹ dự báo, tích trữ nước ngọt tối đa và sử dụng tiết kiệm để ứng phó hiệu quả.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo dòng chảy thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 và tháng 4 ở thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng xảy ra gay gắt, nghiêm trọng và kéo dài ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Cụ thể, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l trong tháng 3 tại các cửa sông Cửu Long phạm vi ảnh hưởng từ 45-55 km; sông Hàm Luông từ 62-65 km; sông Cổ Chiên, sông Hậu từ 55-60 km. Trên sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) phạm vi ảnh hưởng từ 80-95 km.
Như vậy, nguồn nước ngọt của các vùng cửa sông, trong tháng 3 và tháng 4 có khả năng sẽ khan hiếm kéo dài. Các địa phương cần tăng cường tích trữ nước ngọt tối đa và sử dụng tiết kiệm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đến thời điểm hiện tại, hạn mặn 2023-2024 diễn ra đúng như dự báo từ sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như các năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020.
“Dự báo hạn mặn cao điểm sẽ vào tháng 3. Đợt này, có điểm sẽ bị xâm nhập mặn sâu từ 80 - 90 km. Các giải pháp đã được ngành nông nghiệp đưa ra và được các địa phương triển khai khá tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đầu tiên là né hạn mặn. Các địa phương ở khu vực có nguy cơ đã triển khai gieo cấy sớm để né hạn mặn đầu vụ; các diện tích này được thu hoạch trước xâm nhập mặn cao điểm; đồng thời đảm bảo tuyệt đối cho cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có giá trị cao. Các địa phương đã tổ chức tích nước không tập trung, đào các ao hồ; đồng thời đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Những khu vực được xác định khó khăn về nguồn nước đã triển khai nhiều giải pháp như kéo dài đường ống, tích nước, làm hồ nước nhỏ…
Bị nhiều đợt triều cường kèm xâm nhập mặn sâu xuất hiện trên sông Tiền, Tiền Giang đã và đang triển khai các giải pháp tích cực, chủ động ứng phó bảo vệ trên 84.000 ha cây ăn quả với nhiều chủng loại trái cây có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của địa phương như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh…
Trong trường hợp diễn biến triều cường và xâm nhập mặn phức tạp trong những ngày tới đe dọa vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, tỉnh sẽ triển khai phương án đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng đồng thời trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho hay.
Hay tại Bến Tre, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 dự báo sẽ đến sớm và gay gắt nên tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung ứng phó ngay từ cuối mùa mưa; trong đó, ngoài các giải pháp công trình, phi công trình, chính quyền địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô bằng nhiều hình thức, phương tiện như ống hồ, lu, túi chứa nước, trải bạt trữ nước trong ao mương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Thắm cho biết, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó; đồng thời, tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Cục Thủy lợi cũng đã ban hành "Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024" để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn quả. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.
Cùng với các giải pháp ứng phó trong sản xuất, các địa phương vận hành các công trình thủy lợi đã có cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình đang xây dựng để có thể phát huy hiệu quả sớm nhất. Hiện nay, các hệ thống công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40 - 65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha.
Cụ thể, ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75 - 80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ.
Ở cửa các sông Cửu Long, trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40 - 65km; trên sông Hậu, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hiện đang kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây khá tốt.
Dự kiến tháng 7/2024, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành cũng sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ cho gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Với sự chủ động tích cực ứng phó của người dân, các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định mùa khô 2023-2024 sẽ chống hạn mặn thành công.
Về lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các quy hoạch thủy lợi đã ban hành, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tiếp tục nghiên cứu xây dựng một số cống âu lớn để ngăn vòng ngoài, kết hợp với nghiên cứu quy hoạch để có các vùng sản xuất tập trung lớn, tạo tính bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-voi-cao-diem-xam-nhap-man/325002.html