Ứng phó với đại dịch Covid-19: Bài học từ cuộc chiến chống HIV-AIDS
Steven Thrasher - Giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng, cả HIV/AIDS và Covid-19 đều khai thác những điểm yếu của xã hội.
Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS (1/12) hàng năm là một cơ hội đặc biệt để thể hiện sự ủng hộ đối với những người nhiễm HIV và tưởng nhớ các nạn nhân đã mãi ra đi vì các căn bệnh liên quan đến AIDS.
Được khởi xướng và chấp thuận tổ chức lần đầu vào năm 1988, ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS đã trở thành ngày quốc tế đầu tiên trên thế giới về sức khỏe toàn cầu.
Chủ đề này càng trở nên nóng hơn khi đại dịch Covid-19 hoành hành, xuất hiện các biến thể mới lây lan nhanh và cuộc đua tiêm chủng giữa các quốc gia đối mặt với việc triển khai vaccine không công bằng.
Steven Thrasher - Giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng cả HIV/AIDS và Covid-19 đều khai thác những điểm yếu của xã hội như sự phân chia theo chủng tộc, giai cấp và quyền lực.
Ông đã có những chia sẻ với phóng viên của NPR vào Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS năm ngoái về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine và điều trị cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Steven Thrasher cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự như nhiều quan chức và chuyên gia y tế công cộng rằng những người có nguy cơ nhiễm Covis-19 cao nhất lại là những người có ít khả năng tiếp cận nhất với các tổ chức và nguồn lực tài chính để có được vaccine và phương pháp điều trị họ cần.
Ông cũng cho hay, virus có thể tồn tại trong những nhóm người này và làm trầm trọng sự bất bình đẳng vốn tồn tại trong xã hội.
Vị giáo sư này chia sẻ: "Hãy nhìn lại đại dịch AIDS, phải mất tận 7 năm từ ngày liệu pháp điều trị ARV có mặt trên thị trường cho đến khi nó được đưa đến với mọi quốc gia trên thế giới. Trong thời gian đó, HIV tiếp tục lan rộng và do đó, tiếp tục tăng cao".
Ông nhấn mạnh: "Vì vậy nếu chúng ta muốn tiêu diệt loại virus Covid-19 này, chúng ta cần phải có một phương pháp tiếp cận quốc tế, xuyên quốc gia để giúp những người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất nếu không muốn phải ở trong nhà và không đi du lịch trong vài thập kỷ tới”.
Trong một báo cáo mới nhất, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã cảnh báo rằng nếu các quốc gia không nỗ lực hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội thì thế giới có thể chứng kiến khoảng 7,7 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong thập kỷ tới và có thể vẫn còn bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc Điều hành UNAIDS nói: "Tiến trình chống lại đại dịch AIDS, vốn đã đi chệch hướng, giờ còn đang bị căng thẳng hơn nữa khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục hoành hành, làm gián đoạn từ các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cho đến chương trình học tập, phòng chống bạo lực...
Chúng ta không thể lựa chọn giữa việc chấm dứt đại dịch AIDS hôm nay và chuẩn bị cho đại dịch ngày mai. Hiện tại, chúng ta chưa đi đúng hướng để giải quyết bất cứ mục tiêu nào".
Các chuyên gia y tế cộng đồng khẳng định rằng, bằng cách giải quyết tận gốc những bất bình đẳng trong xã hội, các nhà lãnh đạo thế giới không chỉ chấm dứt bệnh AIDS mà còn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.