Ứng phó với thiếu điện, phát triển điện mặt trời mái nhà cần lưu ý gì?
Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới nhưng các doanh nghiệp muốn lắp đặt thì cần lưu ý đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và không nên lắp đặt tùy tiện.
Thông tin tại “hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 28-7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, Hà Nội buộc phải tiết giảm điện đến 40% công suất.
Việc mất điện liên tục đã gây ra không ít khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt. Áp lực cung cấp điện của Hà Nội là cực lớn. Về đặc thù, điện cho công nghiệp xây dựng tại Hà Nội chiếm 27%, thương mại dịch vụ 7%, trên 56% điện dùng cho sinh hoạt và số còn lại dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp.
Theo vị đại diện này, nắng nóng trong mùa hè còn tiếp diễn trong tháng 7 và tháng 8, do đó việc cung ứng điện còn căng thẳng. Giải pháp hữu ích trong bối cảnh này là điện mặt trời mái nhà không nối lưới (tự sản, tự tiêu).
“Qua rà soát năm 2022, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp vi phạm còn rất nhiều, các doanh nghiệp muốn lắp đặt cần lưu ý thực hiện đúng quy định phòng cháy, chữa cháy của ngành công an, nghiệm thu công trình đầy đủ và kết cấu nhà xưởng phải đáp ứng được. Khi lắp đặt, thiết kế phải quan tâm, phải có mô hình, mô phỏng kết quả tính toán để hệ thống nhà xưởng phải đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần khắc phục sai lầm phổ biến là lắp đặt tùy tiện nên hiệu năng không cao”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội lưu ý.
Ông Lê Anh Tuấn- đại diện GreenYellow, đơn vị cung cấp giải pháp về điện mặt trời mái nhà không nối lưới, việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ nên áp dụng với mái nhà xưởng trên 5.000 m2, doanh nghiệp có hóa đơn tiền điện trên 500 triệu đồng/năm và báo cáo tài chính 3 năm gần nhất có lãi.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà tăng qua các năm, đến hết năm 2021 đạt gần 19 triệu kWh.
Các dự án điện mặt trời trên địa bàn thành phố đều là dự án điện mặt trời mái nhà, công suất dưới 1MW và theo quy định không phải thực hiện bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực.
Theo các chuyên gia, thành phố Hà Nội có tiềm năng lớn để khai thác nguồn năng lượng mặt trời trên mái nhà tại tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học…
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, chính sách quy định về việc cho thuê phần diện tích mái của các công trình được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công nên cần được tháo gỡ để phát triển loại hình này.