Ung thư gan có thể đến từ yếu tố lối sống, môi trường và có nguy cơ từ di truyền
Theo số liệu tại Việt Nam, ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta với 26.418 trường hợp mắc mới và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
ThS. BS Lê Thị Thanh Hồng, Chuyên gia Ung thư học - Cố vấn chuyên môn Ung thư của DNA Medical Technology cho biết, theo báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020 trên thế giới mỗi năm có khoảng 905.667 ca mắc mới ung thư gan và 830.180 người tử vong vì căn bệnh này. Còn số liệu tại Việt Nam, ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta với 26.418 trường hợp mắc mới và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
Ung thư gan là quá trình tăng sinh mất kiểm soát tế bào ở gan, ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn, đau, căng tức vùng hạ sườn phải, chướng bụng, vàng da…
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh như sụt cân không rõ nguyên nhân như: Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, người bệnh luôn có cảm giác ngứa, chướng bụng, đau, căng tức vùng hạ sườn phải, vàng da, củng mạc mắt, đi ngoài phân trắng, bạc màu...
Ung thư gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng rất lớn từ viêm gan siêu vi, sử dụng thức uống có chứa nhiều cồn. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc các bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa như gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì, đái tháo đường type 2… cũng có nguy cơ mắc ung thư gan.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư gan, cụ thể, nếu người thân trực hệ mắc bệnh thì khả năng bạn có thể bị bệnh. Theo báo cáo di truyền của Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (DNA Medical Technology),TP53, CDKN2A , PTEN… là các gene liên quan đến ung thư gan.
“Vì thế, nếu có người thân trong gia đình bị ung thư gan thì bạn nên tầm soát sớm nguy cơ ung thư gan, cũng như thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ hình thành và phát triển của bệnh thì bạn nên tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều thịt trắng, cá, rau xanh, không sử dụng thực phẩm cũ, bảo quản quá lâu, ngũ cốc ẩm mốc... và hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn như rượu, bia.
Việc tiêm ngừa vaccine viêm gan siêu vi B có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời phải điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa và các bệnh đang mắc như xơ gan, viêm gan siêu vi B, siêu vi C" - Bác sĩ Lê Thị Thanh Hồng khẳng định.