Ung thư phổi - 'tầm soát ngay, sớm chữa lành'

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) trong chương trình 'Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi' tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sáng 14/12.

“Tầm soát ngay, sớm chữa lành”

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư phổi, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch truyền thông “Thương phổi” kéo dài 3 năm (2023-2026). Mới đây, tại Khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên), chương trình này đã triển khai khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi cho gần 400 người dân trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên và từ 40 tuổi có nguy cơ cao như: Hút thuốc lá lâu năm, có người thân mắc ung thư phổi...

Có mặt tại địa điểm tổ chức chương trình từ sớm, bác Đào Lương Uẩn, 66 tuổi, ở Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết, đây là lần đầu tiên đi tầm soát ung thư phổi miễn phí. Bác biết thông tin từ Tổ trưởng Tổ chăm sóc cây xanh Khu đô thị Ecopark. Trước đây bác có hút thuốc lá và đã nhiều lần bỏ nhưng giờ thì đã bỏ hẳn được 4 năm.

Một số hình ảnh tại buổi khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi” tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sáng 14/12.

Một số hình ảnh tại buổi khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi” tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sáng 14/12.

“Tôi đã đi khám tổng thể 2 lần gần đây tại tuyến huyện và tuyến Trung ương. Nghe thông tin hôm nay sẽ có các bác sĩ tại bệnh viện Trung ương đến khám, tôi đã nghỉ việc để dành thời gian thăm khám sàng lọc, nếu có bệnh sẽ đến viện điều trị sớm", bác Uẩn nói.

Cầm trên tay phiếu khám, bà Lưu Thị Thoa, 70 tuổi, sống tại Khu đô thị Ecopark đến bàn tư vấn. Sau khi bác sĩ nghe tim, phổi, hỏi các thông tin liên quan, bà được hướng dẫn ra xe lưu động để chụp X-quang phổi. Bà Thoa cho hay, nếu phát hiện bất thường sẽ đưa đi chụp CT liều thấp để chẩn đoán ung thư phổi.

Tại chương trình, hơn 30 bác sĩ thuộc Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thăm khám cho gần 400 người dân trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, hoặc 40 tuổi trở lên. Người hút thuốc lá lâu năm, có người thân mắc ung thư phổi... đã được các y, bác sĩ có chuyên môn về ung bướu khám hô hấp, nghe tim phổi.

Với những người có dấu hiệu nghi ngờ về bệnh hô hấp, ung thư phổi cũng được làm các xét nghiệm bổ sung, chụp X-quang phổi, hoặc được tài trợ chụp CT liều thấp miễn phí tại bệnh viện có chuyên khoa ung bướu.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) cho biết “Hiện nay, tại các bệnh viện chuyên ngành ung bướu, số lượng người dân đến khám và chữa trị ung thư phổi tỷ lệ phát hiện đang ở giai đoạn sớm còn khá thấp, chiếm khoảng 25-30%. Trái ngược lại cùng với nó như ung thư vú, những năm trước đây cũng thấp chỉ khoảng 25-30% nhưng con số những năm trở lại đây đã đảo chiều. Những người đến khám tại Bệnh viện K cũng như các Bệnh viện ung bướu tỷ lệ đang ở giai đoạn sớm và rất sớm, chiếm 75-80%. Đây là tín hiệu vô cùng quan trọng nhờ công tác truyền thông, nhờ người dân đã quan tâm tới sức khỏe hơn, khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh. Phát hiện sớm thì phương pháp điều trị đơn giản, hiệu quả điều trị cao, đỡ tốn chi phí…. “Tầm soát ngay, sớm chữa lành” là thông điệp gửi tới mọi người dân”.

Những ai cần tầm soát ung thư phổi?

Ngày 9/12, AstraZeneca công bố nhiều dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực điều trị ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tiêu hóa tại Hội nghị thường niên tập trung vào lĩnh vực ung thư học đa chuyên ngành tại Châu Á - ESMO Asia 2024. Thông qua việc công bố này, AstraZeneca tiếp tục hướng đến trọng tâm là chuyển đổi kết quả điều trị ung thư ở Châu Á, nơi mà ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc cung cấp các liệu pháp tiên tiến giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị, Châu Á chiếm đến 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu, trong đó các loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, gan và dạ dày. Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050, gánh nặng ung thư ở các nước Châu Á dự kiến sẽ tăng đáng kể.

Hướng đến mục tiêu loại bỏ ung thư như một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, AstraZeneca đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán sớm, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là tại châu Á. Ví dụ, nghiên cứu INTEGRATE-TB tại Việt Nam đang tận dụng X-quang có hỗ trợ AI để cải thiện phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư phổi trong các chương trình sàng lọc lao hiện có.

Với sự tiến bộ của y học, ung thư sẽ không khó chữa nếu phát hiện sớm, kể cả ung phổi. Điều quan trọng là khám sàng lọc, phát hiện sớm.

Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng Nguyễn Bá Tĩnh chia sẻ, theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong. Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan.

“Khi có các dấu hiệu như: Ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường…, nhất là với những người hút thuốc lá, có người thân mắc ung thư phổi, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám”, ông Nguyễn Bá Tĩnh lưu ý.

Để dự phòng ung thư phổi, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả…..Đặc biệt, ở những khu vực có tỷ lệ ô nhiễm không khí cao, người dân nên đeo khẩu trang và quần áo che kín vùng đầu khi đi ra ngoài…..

Ông Tĩnh cho biết thêm, thời gian qua tại Bệnh viện K cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư phổi. Do đó, chiến dịch “Thương phổi” mong muốn truyền tải đến người dân về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư phổi, thúc đẩy các chương trình sàng lọc cho những người có nguy cơ cao và tăng tỉ lệ chẩn đoán sớm để cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.

An Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ung-thu-phoi-tam-soat-ngay-som-chua-lanh-i754351/