Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Bài viết này dành cho những người muốn biết thêm thông tin về Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập. Trong bài viết này, người đọc sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về ung thư vú tiểu thùy xâm nhập, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và các biện pháp điều trị.

Nội dung:

1. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập là gì?
2. Các triệu chứng của ung thư vú tiểu thùy xâm nhập là gì?
3. Chẩn đoán ung thư vú tiểu thùy xâm nhập như thế nào?
4. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập được điều trị như thế nào?
4.1: Phẫu thuật
4.2: Các điều trị bổ trợ (bổ sung) cho ung thư vú tiểu thùy xâm nhập
4.3: Theo dõi sau điều trị
4.4: Hỗ trợ thêm

1. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập là gì?

Ung thư vú xuất hiện khi các tế bào tại vú bắt đầu phân chia và tăng trưởng theo cách bất thường.

Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập là loại ung thư vú bắt đầu ở các tiểu thùy (tuyến sản xuất sữa) của vú. Loại ung thư vú này chiếm tới 15% tất cả các trường hợp ung thư vú. “Xâm nhập” nghĩa là các tế bào ung thư đã lan tràn ra ngoài các tiểu thùy vào mô vú xung quanh.

Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất ở những phụ nữ lớn tuổi. Nam giới cũng có thể mắc ung thư vú tiểu thùy xâm nhập nhưng rất hiếm.

Đôi khi người ta thấy ung thư vú tiểu thùy xâm nhập đi cùng với các loại ung thư vú khác như là DCIS (ung thư biểu mô tuyến vú thể ống tuyến không xâm nhập) hoặc ung thư vú biểu mô ống tuyến xâm nhập.

2. Các triệu chứng của ung thư vú tiểu thùy xâm nhập là gì?

Các triệu chứng có thể của ung thư vú tiểu thùy xâm nhập gồm:

- Một khối cứng hoặc một khu vực bệnh nhân cảm thấy dày hơn hoặc cứng hơn các phần còn lại của tuyến vú

- Tuyến vú thay đổi về hình dạng và kích thước so với bình thường

- Thay đổi về cấu trúc da bề mặt tuyến vú ví dụ như: da bị nhăn hoặc lõm so với bình thường

- Các thay đổi ở núm vú

- Chảy dịch bất thường từ núm vú

- Đau vú và hố nách liên tục

- Khối cứng hoặc sưng ở dưới cánh tay.

Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập có thể không gây bất kỳ thay đổi rõ ràng nào tại vú, ví dụ như khối cứng có thể sờ được khi thăm khám thông thường.

Có một số bệnh nhân phát hiện ra mình mắc ung thư vú thể tiểu thùy xâm nhập khi đi khám tầm soát khi mà chưa có bất kì triệu chứng rõ rệt nào. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập đôi khi có thể khó phát hiện trên phim chụp nhũ ảnh (chụp X quang tuyến vú) hơn các loại ung thư vú khác.

3. Chẩn đoán ung thư vú tiểu thùy xâm nhập như thế nào?

- Chụp nhũ ảnh (chụp X quang vú).

- Siêu âm (sử dụng sóng siêu âm để thám sát hình ảnh bên trong nhu mô tuyến vú).

- Sinh thiết lõi tuyến vú và đôi khi cả các hạch bạch huyết (bằng cách sử dụng một kim rỗng để lấy ra một mẫu mô hoặc một vài mẫu mô một lúc để quan sát đánh giá dưới kính hiển vi).

- Chọc hút kim nhỏ (FNA) tuyến vú và đôi khi cả các hạch bạch huyết (sử dụng một kim nhỏ và xi lanh để lấy mẫu tế bào để quan sát dưới kính hiển vi).

Đôi khi khó phát hiện vị trí và xác định kích thước của ung thư vú tiểu thùy xâm nhập khi chỉ dùng siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh nên bạn có thể được chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú. MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra một loạt ảnh bên trong cơ thể bệnh nhân. Chụp MRI không làm cơ thể phơi nhiễm với bức xạ của tia X.

Đôi khi chụp MRI có thể cung cấp ảnh chính xác hơn về kích thước và vị trí của khối u, và xem ung thư vú tiểu thùy xâm nhập có ở hai khu vực của vú trở lên hay không. Cả hai vú sẽ được đánh giá trên phim MRI.

Đôi khi trên cùng một tuyến vú người bệnh có thể có từ hai u trở lên.

Tham khảo thêm

Tuổi tác có liên quan đến khả năng mắc bệnh Ung thư vú hay không?

4. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập được điều trị như thế nào? 4.1: Phẫu thuật

Phẫu thuật để loại bỏ khối u thường là điều trị đầu tay cho ung thư vú tiểu thùy xâm nhập. Loại phẫu thuật được khuyến nghị có thể là:

Phẫu thuật bảo tồn vú: loại bỏ toàn bộ khối u cùng với một phần mô vú lành xung quanh. Phẫu thuật này còn được gọi là phẫu thuật cắt rộng u hoặc phẫu thuật cắt một phần tuyến vú.

Phẫu thuật đoạn nhũ/ phẫu thuật cắt bỏ vú: loại bỏ tất cả mô vú, thường gồm cả khu vực quầng núm vú.

Nếu xem xét phẫu thuật bảo tồn vú thì bệnh nhân có thể được chỉ định chụp MRI để đánh giá kích thước của khối u (nếu bệnh nhân chưa chụp để chẩn đoán xác định trước đó). Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận kĩ với bệnh nhân về tình hình bệnh trước phẫu thuật.

Thậm chí sau chụp MRI, đôi khi rất khó ước tính kích thước của ung thư vú tiểu thùy xâm nhập trước phẫu thuật. Do vậy mà một số bệnh nhân đã được phẫu thuật bảo tồn vú có thể cần phẫu thuật lần thứ hai.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật lần thứ hai sẽ là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú. Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập có thể có đến 2 ổ trở lên trong tuyến vú. Nếu như vậy thì bác sĩ phẫu thuật có thể khuyến nghị cắt toàn bộ tuyến vú, tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào vị trí của các khối u và kích thước của tuyến vú.Nếu bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đoạn nhũ, bệnh nhân có thể xem xét đề nghị tái tạo vú.

Nhiều phụ nữ phẫu thuật đoạn nhũ mà không tái tạo vú chọn đeo túi độn ngực – như một tuyến vú giả lắp vừa bên trong áo ngực.

Một số phụ nữ chọn không tái tạo vú và cũng không đeo túi độn ngực sau phẫu thuật đoạn nhũ.

Đội ngũ bác sĩ điều trị sẽ kiểm tra xem có hạch bạch huyết nào dưới cánh tay có chứa tế bào ung thư hay không. Điều này cùng với các đặc điểm khác của khối sẽ giúp bác sĩ quyết định xem bệnh nhân có nên điều trị bổ trợ sau phẫu thuật hay không?

4.2: Các điều trị bổ trợ (bổ sung) cho ung thư vú tiểu thùy xâm nhập

Sau khi phẫu thuật bạn có thể cần điều trị thêm được gọi là điều trị bổ trợ (bổ sung) và có thể bao gồm:

- Hóa trị

- Xạ trị

- Liệu pháp nội tiết

- Liệu pháp nhắm trúng đích

- Các thuốc xương bisphosphonate

Mục đích của các điều trị này là giảm bớt nguy cơ các tế bào ung thư vú tái phát tại chỗ hoặc phát triển ung thư ở vú đối diện hoặc di căn tới cơ quan khác trong cơ thể.Mỗi bệnh nhân khác nhau thì có một phác đồ điều trị và lộ trình điều trị khác nhau. Đôi khi hóa trị hoặc liệu pháp nội tiết được thực hiện trước phẫu thuật, được gọi là điều trị tân bổ trợ.

4.3: Theo dõi sau điều trị

Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi sau khi điều trị tại bệnh viện (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) kết thúc, và được gọi là quá trình theo dõi sau điều trị. Cho dù bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn vú hoặc đoạn nhũ (có hoặc không tái tạo vú) thì điều quan trọng là bệnh nhân cần phải để ý tất cả các thay đổi nào vú, ngực hoặc khu vực xung quanh.

Có thể khó biết cảm giác của vú hoặc vết sẹo sẽ như thế nào với từng người. Khu vực xung quanh vết sẹo có thể cảm sẽ cứng, tê hoặc nhạy cảm hơn bình thường. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ để ý khu vực đó nhìn trông như thế nào hay cảm giác thế nào là bình thường. Bệnh nhân nên thường xuyên tự quan sát và khám vú của mình sau điều trị, khi có triệu chứng bất thường hãy trao đổi ngay với đội ngũ bác sĩ điều trị để phát hiện sớm di căn và tái phát.

Mắc ung thư vú ở một vú có nghĩa là nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại (ung thư vú nguyên phát mới) hơi cao hơn ở một số người chưa bao giờ bị ung thư vú. Với ung thư vú tiểu thùy xâm nhập, nguy cơ này có thể hơi cao hơn với các loại ung thư vú khác nhưng tổng thể vẫn còn rất thấp. Do vậy điều quan trọng là nhận thức được nhưng thay đổi ở vú còn lại và báo với bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

4.4: Hỗ trợ thêm

Bị chẩn đoán ung thư vú có thể là thời gian khó khăn và đáng sợ với bất kì ai. Có thể có những lúc bạn cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập. Có nhiều người có thể hỗ trợ bạn nên đừng ngại ngần yêu cầu họ giúp đỡ nếu bạn cần.

Một số người thấy hữu ích khi thảo luận cảm giác và mối lo của họ với điều dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn muốn nói kỹ về cảm giác hoặc mối lo âu của bạn trong thì bạn có thể cần gặp chuyên viên tư vấn hoặc nhà tâm lý học.

Các kiến thức cơ bản về ung thư vú bạn nên biết

Hằng Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ung-thu-vu-tieu-thuy-xam-nhap-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-va-phuong-phap-dieu-tri-41202030915524517.htm