Ứng viên GS duy nhất ngành Sử học là Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là ứng viên GS duy nhất năm 2024 của liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học.
Năm 2024, liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 5 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó có 1 ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư, 4 ứng viên xét công nhận chức danh phó giáo sư.
Ứng viên duy nhất xét công nhận chức danh giáo sư của liên ngành này năm nay là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bản đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, cô Phương Lan sinh ngày 11/12/1974, quê ở xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cô theo học ngành Đông Phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và được cấp bằng đại học vào năm 1997.
Sau khi ra trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan đã có thời gian dài gắn bó với Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở nhiều cương vị khác nhau.
Từ tháng 9/1998 đến tháng 5/2000, cô Phương Lan làm công tác trợ giảng tại Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Cô học thạc sĩ ngành Nhân học; chuyên ngành Nhân học văn hóa xã hội tại Đại học Toronto, Canada và được cấp bằng năm 2002.
Sau thời gian theo học tại nước ngoài, từ tháng 6/2002 đến 9/2008, cô trở về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm giảng viên tại Khoa Nhân học.
Năm 2012, cô Phương Lan nhận bằng tiến sĩ, chuyên ngành Dân tộc học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2018, cô Phương Lan được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường. Cũng trong năm này, cô được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Dân tộc học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong từ tháng 6/2016 đến nay.
Trong hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan tập trung vào 4 hướng nghiên cứu chủ yếu là: Nhân học/ Dân tộc học kinh tế, Sinh kế tộc người; Nhân học sinh thái và môi trường; Du lịch nông nghiệp - nông thôn; Nhân học phát triển.
Trước đây là giảng viên và hiện tại là vị trí quản lý, cô Lan đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 19 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
Cô đã hoàn thành 24 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên bao gồm 9 đề tài và 15 đề án. Trong đó, có 4 đề tài cấp cơ sở, 3 đề tài cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 1 đề tài cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 1 đề tài cấp Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phó Giáo sư ngành Dân tộc học chủ trì xây dựng 3 chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành: Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học, Nghệ thuật học. Ngoài ra, cô cũng chủ trì đào tạo ngành Địa lý và ngành Du lịch trình độ thạc sĩ, xây dựng chương trình đào tạo ngành Nhân học trình độ tiến sĩ.
Bên cạnh đó, cô còn là chủ tịch hội đồng kiêm trưởng ban tư vấn chuyên môn Hội đồng tư vấn Khối ngành Khoa học xã hội và hành vi các trình của giáo dục đại học; Trưởng ban điều hành Đề án đào tạo ngành khó tuyển tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia và Phát triển nhân lực.
Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 22 bài báo được đăng trước khi cô được công nhận chức danh phó giáo sư, 31 bài báo được đăng sau khi cô được công nhận là phó giáo sư. Trong 31 bài báo này, Phó Giáo sư ngành Dân tộc học là tác giả chính 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và có 1 bài báo đã xác nhận đăng. Đồng thời, cô đã xuất bản 13 cuốn sách và 4 chương sách (2 chương sách quốc tế; 2 chương sách trong nước) thuộc nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế.
Đối với tiêu chuẩn về số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín, ứng viên đề xuất thay thế bằng 01 cuốn chuyên khảo được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế uy tín là: Farmers’ Perspectives on Risks and Social Capital in the Mekong Delta: From Rice to Shrimp, Cambridge Scholars Publishing, 2022. ISBN (13): 978-1-5275-8150-0.
Cụ thể, trước khi được công nhận phó giáo sư, cô Lan tham gia viết 7 sách giáo trình. Sau khi được công nhận phó giáo sư, cô tiếp tục viết 10 cuốn sách. Trong đó, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan là chủ biên 3 cuốn, đồng chủ biên 1 cuốn, biên soạn 2 cuốn và là tác giả của 4 cuốn.
Trong phần tự đánh giá về tiêu chuẩn và nhiệm vụ nhà giáo của ứng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan cho biết, cô đã và đang thực hiện tốt tiêu chuẩn và nhiệm vụ của Nhà giáo tại khoản 2 điều 61 Luật giáo dục.
Từ năm 2018 đến 2023, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn đạt các danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Giảng viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp đại học Quốc gia và cấp Bộ. Điều này được thể hiện qua việc cô hoàn thành tốt các các nhiệm vụ đào tạo, bao gồm việc hoàn thành định mức giảng dạy, thiết kế các học phần chuyên ngành cho cả bậc đại học và sau đại học, đảm bảo tính phù hợp giữa nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Cô Lan đã hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên thực hiện các đề tài luận án, luận văn đạt kết quả tốt.
Trước và sau khi được công nhận là phó giáo sư, cô Lan vẫn tiếp tục công việc biên soạn các ấn phẩm sách, các nhiệm vụ khoa học (đề tài, dự án…) phục vụ đào tạo được xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, cô tham gia xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cho cả bậc đại học và sau đại học. Nữ Phó Giáo sư còn tích cực tham gia các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế, công bố các ấn phẩm khoa học trên các tạp chí và hội thảo uy tín, chủ trì tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học.
Ngoài công việc chính là giảng viên, cô còn có kinh nghiệm thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, làm việc trực tiếp với cộng đồng địa phương để hiểu rõ nhu cầu và nguyện vọng của họ, tạo dựng niềm tin và hợp tác, đảm bảo dự án mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cô Lan cũng thường xuyên tham gia các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước tổ chức. Nữ Hiệu trưởng có 1 năm tham gia khóa học nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên Nhân học tại Đại học Toronto, Canada.
Với những đóng góp đó, cô Lan đã nhận nhiều huân, huy chương, danh hiệu từ Thủ tướng chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, ngày 19/3/2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan đã vinh dự được nhận bằng khen “Vì sự nghiệp Phát triển Nông nghiệp và nông thôn Việt Nam dựa trên tinh thần Saemaul, Hàn Quốc” do Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) trao tặng.
Bằng khen là sự ghi nhận của chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk nói riêng và Chính phủ Hàn Quốc nói chung trước những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan trong sự nghiệp nghiên cứu, ứng dụng những kinh nghiệm và thành tựu phát triển nông nghiệp của Hàn Quốc vào thực tiễn phát triển nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam.
Tháng 6/2024, tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng của Hiệp hội các trường đại học giáo dục Đông Nam Á (AsTEN) lần thứ 17 do Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, Đại học Kỹ thuật Nanyang đăng cai tổ chức, cô Lan chính thức trở thành Tân Chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới Giáo dục Đông Nam Á.
4 bài báo/báo cáo khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan sau khi được công nhận phó giáo sư trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus bao gồm:
1, Collaboration in Agrotourism Development : The Role of Local Government in Yeongdong County, Chungcheong buk Province, Korea (Journal of People, Plants, and Environment - năm 2020)
2, Back to Nature -Based Agriculture: Green Livelihoods Are Taking Root in the Mekong River Delta (Journal of People, Plants, and Environment - năm 2021)
3, Continuity and transformation of rural communal temples in Vietnam: A case study of Tân Chánh village, Long An province (International Journal of Asia Pacific Studies - năm 2021)
4, Render Unto Caesar: The Interaction between Religion and Economy in the Economic Activities of Catholics in the Mekong Delta (International Journal of Asia Pacific Studies - năm 2023)