Ứng viên GS duy nhất ngành Tâm lý học: Tác giả 79 bài báo khoa học, 22 đầu sách
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng là ứng viên giáo sư duy nhất ngành Tâm lý học năm nay.
Theo danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, sinh ngày 12/4/1964 là ứng viên giáo sư duy nhất ngành Tâm lý học năm 2024.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn hiện đang giữ các chức vụ là Phó Giám đốc phụ trách Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Đảm bảo chất lượng giáo dục tại Đại học Đà Nẵng; Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam.
Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2024, thầy Lê Quang Sơn tốt nghiệp cử nhân ngành Giáo dục học và phương pháp giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Leningrad, Liên Bang Nga năm 1987.
Năm 1999, thầy tốt nghiệp tiến sĩ ngành Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học Lứa tuổi và Sư phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Bang Nga.
Quá trình công tác của ứng viên giáo sư duy nhất ngành Tâm lý học như sau:
Từ 1987-1995, thầy Sơn là giảng viên bộ môn Tâm lý học, giáo dục học của Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng thuộc Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn);
Từ 1995-1999, thầy là nghiên cứu sinh tại Matxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga;
Từ 1999-2001, thầy là giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng;
Từ 2001-2005, thầy Sơn giữ chức Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trưởng bộ môn Tâm lý học và là Phó Bí thư chi bộ của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng;
Từ 2005-2006, thầy là Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục, Phó Bí thư chi bộ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng;
Từ năm 2007 đến tháng 3/2010, thầy giữ chức Trưởng phòng Khoa học, Sau đại học và Hợp tác quốc tế, đồng thời là Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục, Bí thư chi bộ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Năm 2009, thầy còn là Đảng ủy viên Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Từ 3/2010 đến 4/2019, thầy Lê Quang Sơn giữ chức Phó Hiệu trưởng, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục và Trưởng bộ môn Ngoại ngữ chuyên ngành của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Đồng thời, thầy cũng là Đảng ủy viên Đảng ủy Đại học Đà Nẵng và Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Trong đó, từ 2012-2017, thầy là Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục thành phố Đà Nẵng.
Từ tháng 4/2019 đến nay, thầy Lê Quang Sơn giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Đảm bảo chất lượng giáo dục tại Đại học Đà Nẵng. Từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021, thầy kiêm nhiệm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Thầy cũng đảm nhận các vị trí quan trọng khác như Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
Đặc biệt, thầy Sơn đã có hơn 36 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo từ tháng 12/1987 tới nay.
Trong quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn đã hoàn thành 13 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và tương đương (cấp Đại học Đà Nẵng và cấp tỉnh). Trong đó, thầy Sơn chủ nhiệm 8 đề tài và là thành viên chính của 5 đề tài.
Ngoài ra, ứng viên giáo sư duy nhất ngành Tâm lý học đã công bố tổng cộng 79 bài báo khoa học. Trong đó, số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà ứng viên là tác giả chính sau PGS/TS: 11 bài trên các tạp chí WoS/Scopus.
Thầy Lê Quang Sơn đã xuất bản 22 cuốn sách, giáo trình khác nhau và hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Trong nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính.
Hướng thứ nhất là nghiên cứu đặc điểm nhân cách học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các lực lượng giáo dục khác. Với hướng này, các nghiên cứu tập trung làm rõ đặc điểm nhân cách như đặc điểm ý thức và tự ý thức, định hướng giá trị, nhu cầu giao tiếp và tham vấn, năng lực sư phạm, năng lực quản lý và năng lực nghiên cứu, hành vi và sức khỏe tâm thần của các nhóm đối tượng.
Hướng thứ hai là phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Với hướng này, các nghiên cứu tập trung vào khảo sát và xây dựng mô hình lý thuyết về nhân cách làm cơ sở xác lập các biện pháp tác động. Trên cơ sở các mô hình lý thuyết, các nghiên cứu tập trung vào đánh giá nhu cầu, hiểu biết và năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh về các phương diện khác nhau của hoạt động nghề nghiệp làm cơ sở xây dựng các biện pháp tác động.
Ngoài ra, thầy Sơn đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như: danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ từ năm 2009 - 2021, bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2013 và 2022,...
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn đã tham gia chủ trì và xây dựng 10 chương trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học được đưa vào áp dụng thực tế. Đặc biệt, thầy Sơn là Chủ tịch Chương trình đào tạo chất lượng cao bậc đại học ngành Tâm lý học, được đưa vào áp dụng thực tế từ năm 2018 và đã được Đại học Đà Nẵng thẩm định.
Trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn cho biết: “Ứng viên có đầy đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo và luôn gương mẫu trong thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định pháp luật.
Về công tác giảng dạy, tôi luôn tuân thủ đúng mục tiêu, nguyên lý giáo dục và quy chế đào tạo, đảm bảo chất lượng cao cho các học phần về Tâm lý học mà bản thân đảm nhiệm trong chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Về nghiên cứu khoa học, tôi tích cực tham gia dưới các hình thức khác nhau như: thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; viết bài báo trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; báo cáo khoa học tại các hội thảo; viết giáo trình đào tạo đại học, sau đại học; viết tài liệu phục vụ các chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo các trình độ đại học và sau đại học.
Đồng thời, tôi là thành viên của nhiều hội đồng khoa học từ các trường đại học, thành phố Đà Nẵng; thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng”.
Theo kế hoạch, từ ngày 21/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp xét công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.