ỨNG XỬ LÀNH MẠNH VỚI BẢN QUYỀN TÁC GIẢ
Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng những ngày qua là Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh chính thức đưa ra phán quyết họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh 'Thần đồng đất Việt'. Có thể khẳng định: Việc hội đồng xét xử công nhận họa sĩ Lê Linh thắng kiện là kết thúc có hậu, góp phần mang lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người sáng tạo chân chính.
Khi vừa chấm dứt một vụ tranh chấp bản quyền kéo dài 12 năm, dư luận lại xôn xao bởi một nam ca sĩ trẻ đã thông qua quản lý và luật sư của mình yêu cầu ê kíp một đoàn làm phim bồi thường nửa tỷ đồng bởi sử dụng ca khúc của anh trong phim mà không xin phép. Nhưng trước đó một năm, chính nam ca sĩ này cũng bị một nhạc sĩ nước ngoài đâm đơn kiện vì sử dụng nhạc trái phép.
Tại sao Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành, đi vào cuộc sống từ nhiều năm qua, nhưng những câu chuyện lùm xùm về vi phạm bản quyền tác giả của một bộ phận nghệ sĩ ở nước ta vẫn chưa chấm dứt? Một trong những lý do sâu xa dẫn đến thực trạng này là nhiều nghệ sĩ chỉ quan tâm đến sáng tạo, ít dành thời gian, công sức tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan; khi bị xâm phạm tác quyền thì ngại kiện tụng vì tâm lý “chờ được vạ thì má đã sưng”. Trong khi đó, không ít nghệ sĩ sống theo cảm xúc nhiều hơn lý trí, chưa nắm hết quyền và nghĩa vụ của mình, thế nên khi có nhùng nhằng về tác quyền liên quan đến bản thân, họ rơi vào tình cảnh “bối rối như gà mắc tóc”!
Nghệ sĩ thường đề cao cái tôi cảm xúc cá nhân để có những giờ phút thăng hoa với sáng tạo nghệ thuật. Một khi dành trọn tâm huyết, sức lực để tập trung nâng niu, vuốt ve cho đứa con tinh thần của mình được hoàn thiện, hoàn mỹ, hầu như nghệ sĩ nào cũng muốn tác phẩm của mình được giữ gìn, bảo vệ trọn vẹn. Có câu châm ngôn “Của đau, con xót”. Mỗi khi đứa con tinh thần của họ bị xâm phạm, bị trầy xước, bị chia năm xẻ bảy, đương nhiên họ cũng chẳng vui vẻ gì, nếu không muốn nói là “ăn không ngon, ngủ không yên”. Từ đặc trưng tâm lý nghề nghiệp này đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật và người có trách nhiệm phải quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về mặt pháp lý nhiều hơn nữa để bảo toàn tính chính danh cho những tác phẩm của các nghệ sĩ chân chính.
Nhưng mặt khác, bản thân mỗi nghệ sĩ cũng không nên mơ hồ hay tự tạo cho mình khoảng trống về hiểu biết pháp luật, nhất là những quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả. Vì sống trong xã hội pháp quyền, mọi công dân, trong đó có nghệ sĩ luôn phải có ý thức, trách nhiệm thượng tôn pháp luật. Chỉ trên cơ sở hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về các quy định pháp luật, nghệ sĩ mới tuân thủ đúng luật pháp và biết tự bảo vệ mình trước sự xâm phạm của người khác.
Phòng ngừa, giảm thiểu các vụ vi phạm bản quyền tác giả trong văn học nghệ thuật không chỉ góp phần xây dựng, thúc đẩy môi trường sáng tạo lành mạnh cho các văn nghệ sĩ, mà còn góp phần ươm mầm, vun trồng, lan tỏa những tác phẩm giàu giá trị chân-thiện-mỹ trong đời sống xã hội, qua đó bồi đắp năng lượng sống tích cực, hữu ích cho công chúng. Trong bối cảnh thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế hiện nay, sự xâm phạm bản quyền tác giả có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì đội ngũ văn nghệ sĩ chỉ thể hiện tâm huyết, tài năng thôi chưa đủ, mà cần phải biết kết hợp hài hòa giữa tình cảm và lý trí, giữa bổn phận sáng tạo và trách nhiệm công dân để vươn lên làm tròn sứ mệnh là người nuôi dưỡng, làm giàu đời sống tinh thần cho xã hội.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/ung-xu-lanh-manh-voi-ban-quyen-tac-gia-590472