Ứng xử như thế nào với thành phố thuộc tỉnh?
Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương đang được lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương.
Cho đến nay vấn đề nổi bật khi chuyển đổi từ chính quyền ba cấp thành chính quyền hai cấp là sẽ ứng xử như thế nào với các thành phố trực thuộc tỉnh. Nếu bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và cấp xã/phường thì các thành phố quen thuộc lâu nay cũng sẽ biến mất. Sẽ không còn các thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Mỹ Tho, Vinh...
Thiết nghĩ ở đây vấn đề quan trọng không phải là tên gọi vì tên gọi cũ có thể được duy trì ở hình thức này hay hình thức khác; vấn đề quan trọng là cách thức quản lý một thành phố khác hẳn cách thức quản lý một phường hay một xã. Chỉ nói đơn giản trong lĩnh vực cấp điện, cấp nước hay xử lý rác thải - là những chức năng quan trọng của một đô thị, dù lớn hay nhỏ. Quản lý ở cấp toàn thành phố sẽ có một sự nhất quán về quy mô, điều phối nguồn lực dễ dàng hơn, giải quyết các sự cố cũng nhanh chóng hơn. Phân chia quản lý các dịch vụ công như điện, nước, rác thải ở cấp phường chắc chắn không khả thi vì tính chia cắt địa bàn và nhân lực. Dồn việc quản lý về tỉnh thì sẽ tổ chức thành hai bộ phận, một lo cho thành phố và một lo cho các địa bàn khác trong tỉnh, sẽ làm bộ máy phình ra không cần thiết.
Đó chỉ là mới nói đến một lĩnh vực trong khi quản lý đô thị với rất nhiều lĩnh vực đặc thù cần có bộ máy quản lý riêng biệt, nhân lực được chuyên môn hóa sâu. Vậy làm thế nào để vẫn duy trì các thành phố hiện hữu (hiện nay chúng ta có 84 thành phố trực thuộc tỉnh như thế) trong khi vẫn triển khai đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính trên nguyên tắc chỉ còn hai cấp?
Hãy chú ý đến cách nói chính quyền hai cấp, gồm cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và xã/phường. Nay chỉ cần điều chỉnh một điểm nhỏ để chính quyền hai cấp bao gồm tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và xã/phường/thành phố trực thuộc tỉnh là mọi việc ổn thỏa. Nói cách khác, cấp thứ nhì trong mô hình chính quyền địa phương mà chúng ta đang hướng đến sẽ bao gồm xã, phường và thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy có thể sẽ ghép các xã phường lại đúng như kế hoạch đang đề ra nhưng với thành phố trực thuộc tỉnh thì để nguyên. Mô hình chính quyền phường, xã, thành phố trực thuộc tỉnh về đại thể là giống nhau nhưng chúng ta vẫn có thể quy định để thành phố trực thuộc tỉnh có những chức năng đặc thù phục vụ cho việc quản lý đô thị.
Làm như đề xuất này, chúng ta sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề đang được thảo luận hiện nay như tên gọi các thành phố trực thuộc tỉnh (vì không thay đổi quy mô nên sẽ được giữ nguyên), cách quản lý các đơn vị hành chính đã hình thành từ lâu đời, các chủ trương, chính sách phù hợp để các thành phố này phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa... Mục đích sau cùng của việc sắp xếp cũng để các địa phương phát triển hết tiềm năng - vì thế nên duy trì các thành phố trực thuộc tỉnh để chúng là động lực phát triển của các tỉnh khắp cả nước.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-xu-nhu-the-nao-voi-thanh-pho-thuoc-tinh/