Ứng xử với di sản cầu Long Biên | Hà Nội tin mỗi chiều
Đề xuất hơn 420 tỷ đồng sửa chữa cầu Long Biên, Phú Lương; Hà Nội chỉ có 46 cơ sở karaoke đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Đề xuất hơn 420 tỷ đồng sửa chữa cầu Long Biên, Phú Lương
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất các giải pháp khắc phục các điểm xung yếu xuống cấp trong hệ thống đường sắt. Trong đó, Cục Đường sắt đề xuất lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và cầu Phú Lương thuộc tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng. Tổng mức đầu tư hai dự án dự kiến 425 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2031.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1889, hoàn thành vào năm 1902 với chiều dài gần 1.700 m, gồm 19 nhịp dầm thép.
Hiện nay, cầu Long Biên vẫn là cây cầu huyết mạch, kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với mạng lưới đường sắt quốc gia. Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trải qua khai thác hơn 120 năm, hiện cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Năm 2014, Thủ tướng đã giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án khôi phục cầu Long Biên, giai đoạn một là gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025.
Năm 2023, công trình đã được kiểm định đánh giá tình hình kết cấu, trong đó có một số kết cấu không đảm bảo điều kiện ổn định. Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị cần đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng và xem xét khả năng đầu tư dài hạn, để đảm bảo an toàn khai thác với nguồn vốn đầu tư phát triển trước khi tuyến đường sắt đô thị số một Hà Nội triển khai và khi chưa triển khai tuyến đường sắt vành đai phía Đông.
Tại cuộc làm việc gần đây với Bộ Giao thông Vận tải, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, Pháp đã có quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 Euro để một doanh nghiệp Pháp tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Bên cạnh đó, tương lai của cầu Long Biên thế nào còn phụ thuộc vào việc triển khai tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Dự án khôi phục cầu Long Biên - giai đoạn một cũng đã được hoàn thành năm 2016, mục tiêu đảm bảo an toàn đến năm 2025. Do vậy, các kiến nghị sửa chữa của đơn vị tư vấn sẽ chủ yếu được thực hiện sau 2025, duy trì an toàn cầu đến 2035. Đây cũng là mốc thời gian Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị.
Cầu Long Biên đã hơn 120 tuổi nhưng vẫn đang gồng mình gánh tải hàng nghìn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về an toàn cho các phương tiện di chuyển qua cầu.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, ngay cả khi hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng, thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô. Ngoài giá trị kết nối giao thông, cầu Long Biên còn là một di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc cùng dòng chảy ký ức của nhiều thế hệ. Do đó đầu tư bảo tồn cây cầu luôn là công việc cần thiết, để cây cầu không trở thành phế tích là mong mỏi không chỉ của người dân Thủ đô.
Hà Nội chỉ có 46 cơ sở karaoke đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy
Hiện thành phố Hà Nội có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường nhưng chỉ có 46 cơ sở kinh doanh bảo đảm đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy. Rất nhiều cơ sở kinh doanh chuyển đổi từ loại hình nhà ở sang kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn.
Thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke đã được thành phố Hà Nội chú trọng. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị cho dừng hoạt động vì không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, một số cơ sở lại chuyển sang hình thức hát cho nhau nghe, kinh doanh ăn uống kết hợp biểu diễn nghệ thuật không bán vé. Việc này đòi hỏi có sự thống nhất về quản lý theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân.
Bên cạnh đó lại nảy sinh mô hình kinh doanh karaoke mini trong bối cảnh nhiều quán karaoke không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy theo quy định đã phải đóng cửa. Dịch vụ karaoke box trước đây chủ yếu xuất hiện trong các trung tâm thương mại nhưng nay đã phát triển thành các quán karaoke mini, xuất hiện tại một số quận nội thành Hà Nội. Được trang bị đầy đủ các loại trang thiết bị như quán karaoke bình thường nhưng các quán này đều không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Cháy quán karaoke - một cụm từ mà có lẽ giờ đây khi nhắc đến nhiều người vẫn cảm thấy rùng mình bởi ngoài tài sản bị thiêu rụi, còn có những thiệt hại về người. Dù đã xảy ra cách đây gần 8 năm nhưng vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy khiến 13 người thiệt mạng vẫn là một bài học đau xót.
Cách đây gần hai năm, lại xảy ra vụ cháy quán karaoke tại địa chỉ số 231 Quan Hoa phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã làm ba chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Những chiếc lồng hình ống tại cơ sở kinh doanh karaoke có đặc điểm kiến trúc thường rất kín để giảm tiếng ồn; mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo nên khi xảy cháy khói không thể thoát ra được. Những quán karaoke kiểu này cũng không có thang thoát hiểm bên ngoài.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo, quản lý dịch vụ karaoke, phân cấp công tác quản lý cho các quận, huyện. Điều này cho thấy, vai trò và trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện trong công tác quản lý là rất lớn. Do đó, các địa phương cần nâng cao vai trò quản lý, thanh - kiểm tra, xử lý các vi phạm để hạn chế những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh vấn đề về phòng cháy chữa cháy, hoạt động dịch vụ karaoke có tính chất nhạy cảm. Đây là địa điểm tập trung đông người, hầu hết là người trẻ, có sử dụng bia, rượu, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy, chất gây nghiện, phát sinh tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường. Việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư.