Ứng xử với hoa trong lễ hội hoa

Tháng 11-tháng đẹp nhất của Tây Nguyên đã về. Tuần Văn hóa và du lịch Gia Lai năm 2023 diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như Festival Cồng chiêng Gia Lai, Lễ hội hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đang Ya, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô…. Người Gia Lai náo nức, người Tây Nguyên náo nức, du khách từ các nơi cũng đã đổ về Gia Lai từ tuần trước để được thong dong ngắm cỏ hoa trước ngày chính hội. Năm nay, những người đi rồi đều tấm tắc: Hoa dã quỳ đang đẹp ngất ngây. Cũng từ ấy, câu chuyện bẻ cành, hái hoa bắt đầu từ nhiều mùa lễ hội trước lại quay về ồn ã trên mạng xã hội.

Lễ hội Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya được huyện Chư Păh tổ chức lần đầu từ ngày 1 đến ngày 3-12-2017. Ngay từ lần đầu ấy, sự kiện đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Vietkings bình chọn vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai của năm. Dù trên thực tế, ở mùa lễ hội đầu tiên do Ban tổ chức chưa tiên liệu chính xác dịp hoa nở, nên “đứng ngồi không yên” bởi vào chính hội hoa đã cuối mùa, không còn mơn mởn sắc vàng trên tán lá xanh phủ đầy ngọn núi, tiết trời Pleiku cũng đã bước vào mùa hanh hao, gắt nắng.

Từ những năm sau, lễ hội được Ban tổ chức chọn vào khoảng giữa tháng 11. Từ ấy, đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng 11 hàng năm, “tiếng hú” từ Chư Đang Ya như vang xa đến mọi miền, gọi mời du khách đến với núi lửa Chư Đang Ya và cao nguyên Pleiku-cao nguyên Jrai thơ mộng để không chỉ ngắm hoa, ngắm cảnh mà còn để trải nghiệm văn hóa của người Jrai nói riêng, văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc tỉnh Gia Lai nói chung.

Cần bớt cực đoan để tránh tình trạng hái hoa, bẻ cành (dã quỳ) nhưng cũng cần quản lý, có giải pháp để bảo vệ hoa trong khu vực diễn ra lễ hội. Ảnh: Phương Vi

Cần bớt cực đoan để tránh tình trạng hái hoa, bẻ cành (dã quỳ) nhưng cũng cần quản lý, có giải pháp để bảo vệ hoa trong khu vực diễn ra lễ hội. Ảnh: Phương Vi

Khách tham quan nhiều, mừng đấy, nhưng cũng lắm nỗi lo. Trong muôn vàn mối lo của ban tổ chức, của những người làm du lịch và của chính những chủ nhân của vùng đất này, có mối lo về việc ứng xử với hoa. Năm ngoái, đầu mùa lễ hội, tôi đã đăng 1 status trên Facebook cá nhân: "Xin đừng trách nếu không thấy tôi like (thích) ảnh của những người đi lễ hội mà bẻ hoa để ôm hay đội...". Sau này có một bạn chọc tôi: Đang giơ tay định hái bông hoa cài tóc, mà nhớ đến cái status của bạn nên đã kịp dừng tay.

Năm nay, trước khi vào chính hội, những hình ảnh về dã quỳ trên núi lửa Chư Đang Ya đã ngập tràn các trang mạng xã hội. Trong số này, có không ít hình ảnh các bà, các cô… đeo trên đầu một vòng hoa vàng rực, tay ôm hoa, cười mãn nguyện giữa bát ngát hoa dã quỳ; hay họ nắm tay nhau trong những trang phục đủ sắc màu của nhiều dân tộc rồi cùng nhảy múa… Những hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến những điệu múa của các cô gái Nga giữa thảo nguyên mà thế hệ chúng tôi-thế hệ chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Nga-được thấy mỗi ngày. Một chị bạn đi về lại: “Năm nay dân trong vùng họ trồng đủ thứ hoa cho du khách vào chụp hình (có thu phí), rồi họ đem trang phục của các dân tộc, cả trang phục của các dân tộc phía Bắc nữa cho du khách thuê. Còn hoa là của các em nhỏ Jrai làm và kết sẵn, du khách có thể mua (giá 20 ngàn 1 vòng đội đầu) hoặc thuê (giá 10 ngàn đồng)… Dân mình có vẻ đã bắt đầu biết làm du lịch rồi!”. Nghe vậy, tôi thấy mừng khấp khởi.

Từ thực tế trên, bản thân tôi tự thấy mình cần bớt cực đoan để tránh tình trạng hái hoa, bẻ cành (dã quỳ) song cũng cần một số giải pháp để gìn giữ sắc vàng rực rỡ của những vạt hoa trong suốt mùa lễ hội. Một mặt, tuyệt đối cấm hái hoa, bẻ cành ở khu vực lễ hội và dọc các tuyến đường, lối đi để không làm hỏng không gian lễ hội, phá vỡ cảnh quan... Để điều này được thực hiện nghiêm, nên chăng cần sớm có bảng cấm kèm mức phạt cụ thể (như ở TP. Hồ Chí Minh và một số nơi đã làm).

Mặt khác Ban tổ chức cần tạo điều kiện cho dân các làng trong vùng hái hoa ở những nơi khuất xa, không có du khách tới để tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch. Hãy coi đó như một dịch vụ của lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời để dân trong vùng cũng quen dần với việc làm du lịch nhằm có thêm thu nhập. Chính điều này sẽ thôi thúc đồng bào các dân tộc quanh khu vực lễ hội chăm chút cho không gian lễ hội và háo hức đợi đến mùa lễ hội năm sau. Nhưng, những sản phẩm này cũng phải được quản lý bằng cách dán/đeo một nhãn hiệu gì đó (có thể là 1 con dấu nhỏ xinh…) của Ban tổ chức để phân biệt với hoa bị bẻ/hái tại chỗ.

Thiết nghĩ, khi tổ chức một lễ hội để làm du lịch, bên cạnh việc nhằm mang lại lợi nhuận cho mạng lưới hoạt động du lịch chính thống (như các khách sạn, nhà hàng, điểm bán vé tham quan…), cũng cần nghĩ đến bộ phận làm “du lịch nhân dân”, đó chính là những chủ nhân của vùng đất mà họ sinh sống từ bao đời nay. Dân càng nghĩ ra nhiều hoạt động để phục vụ du khách để họ có thêm thu nhập thì càng tốt, một lễ hội như vậy mới thật sự thành công.

Cũng xin nói thêm, dã quỳ là một loại cây bụi (không phải thân gỗ). Sau mùa hoa, cả cây và hoa sẽ lụi tàn để mùa mưa năm sau mầm chồi mới lại vươn lên. Vì vậy, các giải pháp nêu trên chỉ áp dụng với loài hoa này, còn với các loại cây thân gỗ như: muồng vàng, mai anh đào… thì xin tuyệt đối đừng hái hoa, bẻ cành du khách thân yêu nhé!

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ung-xu-voi-hoa-trong-le-hoi-hoa-post255187.html