UNICEF công bố báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2021
Ngày 5-10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới 2021, trong đó cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh, thiếu niên trong nhiều năm tới.
Trẻ em chơi cùng nhau tại Trung tâm Dịch vụ bảo vệ trẻ em Gabtoli ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: UNICEF.
UNICEF cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới 2021 - Trong tâm trí tôi: Thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em" xem xét các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh, thiếu niên.
Báo cáo đặc biệt tập trung vào việc phân tích ảnh hưởng của các yếu tố về nguy cơ và bảo vệ tại gia đình, trường học và cộng đồng trong việc hình thành kết quả liên quan đến sức khỏe tâm thần. Báo cáo cho rằng, chúng ta đang có cơ hội duy nhất để thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho mọi trẻ em, bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương và chăm sóc trẻ em đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh, thiếu niên, cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore chia sẻ: "18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ".
Tuy nhiên, đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng mà UNICEF cho rằng đã không được chú ý trong một thời gian dài. Theo số liệu ước tính mới nhất, trên toàn cầu, cứ 7 em từ 10 đến 19 tuổi thì có nhiều hơn một em bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.
Trong khi đó, giữa nhu cầu về sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn. Báo cáo cho thấy, khoảng 2% ngân sách cho y tế của chính phủ được phân bổ vào chi tiêu cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu.
"Từ trước khi đại dịch bùng phát, quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức", Giám đốc điều hành Henrietta Fore nhận định.
Trên cơ sở đó, báo cáo yêu cầu đầu tư khẩn cấp vào sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên trong các lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực y tế. Báo cáo chỉ ra rằng, những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả, ví dụ như các chương trình làm cha mẹ và các chương trình trong nhà trường.
UNICEF cũng kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần, bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em và thanh niên.