UNICEF kêu gọi quyên góp hơn 189 triệu USD để hỗ trợ trẻ em Somalia
Trẻ em ở Somalia đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, bao gồm lũ quét và lũ ven sông, trong giai đoạn đầu mùa mưa năm 2024 (từ tháng Ba đến đầu tháng Tư).
Ngày 19/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi quyên góp 189,1 triệu USD để tăng cường hoạt động hỗ trợ những trẻ em phải di dời và các gia đình dễ bị tổn thương ở Somalia trong năm 2024.
Theo UNICEF, trong tháng 2 năm nay, các nhà tài trợ đã cung cấp 4,9 triệu USD để phòng ngừa, giảm nhẹ và ứng phó với bệnh tả và suy dinh dưỡng, cung cấp nước sạch và các điều kiện vệ sinh, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ giáo dục, tiêm chủng, chống bóc lột và lạm dụng tình dục cũng như hỗ trợ cộng đồng.
Trong một báo cáo được công bố tại thủ đô Mogadishu của Somalia, UNICEF nêu rõ: "Do sự cạnh tranh về các nguồn lực nhân đạo tăng nhanh trên toàn cầu, các cuộc thảo luận sâu hơn đang được tiến hành nhằm cải thiện các phương pháp gây quỹ và tăng cường đầu tư cho các biện pháp can thiệp có chi phí thấp, hiệu quả cao và các sáng kiến về xây dựng khả năng phục hồi."
Cũng theo UNICEF, trẻ em ở Somalia đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, bao gồm lũ quét và lũ ven sông, trong giai đoạn đầu mùa mưa năm 2024 (từ tháng Ba đến đầu tháng Tư), khi ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino được dự đoán sẽ còn kéo dài.
Để hỗ trợ những trẻ em này, UNICEF đang tăng cường các mối quan hệ đối tác với các nhà tài trợ hiện có trong khu vực công, đồng thời lên kế hoạch cho những cuộc hợp tác mới với khu vực tư nhân.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 18/3, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của các nhà tài trợ quốc tế trong bối cảnh hàng triệu người ở khu vực Đông Phi đang bị ảnh hưởng do tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Theo WFP, tính đến quý 4/2023, khoảng 59 triệu người, tương đương gần 20% tổng dân số ở Đông Phi đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Mức độ mất an ninh lương thực ở khu vực này tăng 95% so với tháng 11/2019, chủ yếu là do ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế của đại dịch COVID-19 cùng với những tác động do cuộc xung đột ở Ukraine và sự tái diễn tình trạng hạn hán.
Tại khu vực trên, số người bị mất an ninh lương thực ở Sudan và Ethiopia lần lượt là 20,3 triệu và 20,1 triệu người, trong khi tại Nam Sudan, số người này là 5,8 triệu người và ở Somalia là 4,3 triệu người.
Cũng theo WFP, mặc dù nhu cầu về an ninh lương thực ở Đông Phi tăng cao nhưng việc thiếu ngân sách hỗ trợ đã buộc tổ chức này phải xây dựng lại chiến lược của mình để hỗ trợ người dân trong khu vực trên dựa vào các nguồn lực sẵn có thay vì dựa vào nhu cầu của họ./.