UOBAM Việt Nam: Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan trong nửa cuối năm 2024
TTCK sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi nhờ triển vọng kinh tế cải thiện, môi trường lãi suất thấp và quyết tâm nâng hạng thị trường...
Đây là quan điểm của bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam).
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong quý I và mặt bằng lãi suất thấp được cho là động lực giúp TTCK khởi sắc quý đầu năm nay. Nhưng bước qua quý II, thị trường có sự điều chỉnh, nhà đầu tư thận trọng hơn với các yếu tố bên ngoài như Fed vẫn chưa thể hạ lãi suất, các cuộc xung đột địa chính trị gây đứt gãy nguồn cung…, nhận định của bà về điều này?
Sau khi tăng mạnh 13,6% trong quý I, sự điều chỉnh của TTCK trong quý II là điều có thể dự báo trước. Ngoài ra, các yếu tố bất ổn địa chính trị trên thế giới và thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất nhiều khả năng sẽ kéo dài sang quý III hoặc quý IV cũng là những yếu tố tác động nhất định đến TTCK trong thời gian qua và sắp tới.
Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi thì thị trường khó giảm sâu trong quý II nhờ những yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, kết quả kinh doanh quý I/2024 của các công ty niêm yết nhìn chung khả quan. Theo thống kê từ các công ty trong danh mục theo dõi của chúng tôi, lợi nhuận ròng tăng bình quân 14,3% theo năm và 24,4% theo quý.
Bên cạnh đó, xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang cải thiện. Nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại với sự tăng tốc của ngành du lịch.
Đồng thời, dòng vốn từ nguồn vốn FDI tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý các rủi ro đã đề cập như Fed chưa sớm hạ lãi suất, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể tiếp tục gây áp lực đến tỷ giá VND/USD và tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy và được dự báo tăng nhẹ trong các tháng cuối năm, bất động sản bắt đầu ấm trở lại, giá vàng và USD vẫn ở mức cao, liệu dòng tiền đầu tư vào chứng khoán có bị ảnh hưởng?
Trong 4 năm trở lại đây, chúng tôi quan sát thấy sự tham gia vào TTCK của nhà đầu tư trong nước gia tăng mạnh mẽ. Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới từ năm 2020 đến hết năm 2023 là 4,9 triệu tài khoản, tăng mạnh so với con số 2,3 triệu tài khoản được mở mới từ khi thị trường đi vào hoạt động năm 2000 đến cuối năm 2019.
Điều này cũng thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của thanh khoản thị trường, đồng thời chứng tỏ ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước đã và đang xem TTCK như một kênh đầu tư mới hấp dẫn bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống.
Mặt khác, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, sự nhảy vọt của giá vàng trong thời gian qua, hay lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới, các kênh đầu tư này có thể thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô cho sự tăng trường của TTCK trong trung và dài hạn cùng với nhu cầu đầu tư gia tăng của nhà đầu tư trong nước, tôi nghĩ TTCK sẽ vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.
Với những dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô 2024 như đã chia sẻ, bà đánh giá triển vọng TTCK trong phần còn lại của năm 2024 sẽ như thế nào?
Chúng tôi đánh giá triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ các động lực: Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng; Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Những năm gần đây khái niệm đầu tư bền vững, đảm bảo sự tăng trưởng của tài sản qua các biến động của kinh tế luôn là đề tài quan tâm của các nhà đầu tư. Việc đầu tư bền vững liệu có phải là đầu tư có sự tích hợp với các yếu tố ESG?
Đầu tư bền vững là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều tiêu chí. Dựa trên mục tiêu đầu tư được xác định mà có thể áp dụng chiến lược và tiêu chí đầu tư bền vững phù hợp. Việc tích hợp các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp) vào quy trình đầu tư, bên cạnh việc phân tích đánh giá các yếu tố cơ bản nền tảng, với mục tiêu tạo ra lợi nhuận bền vững trong dài hạn cho nhà đầu tư là một chiến lược phổ biến hiện nay.
Ngoài chiến lược đầu tư tích hợp ESG còn có các chiến lược khác, chẳng hạn như đầu tư theo chủ đề bền vững tập trung vào một ngành cụ thể, ví dụ ngành năng lượng tái tạo, hay đầu tư tác động với mục tiêu tạo ra tác động rõ ràng, thường được áp dụng cho mô hình đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Trong đầu tư bền vững, việc đồng hành cùng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Xu hướng đầu tư bền vững nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên thế giới từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở châu Âu. Xu hướng này cũng đang phát triển nhanh ở châu Á trong những năm qua. Với cam kết và thúc đẩy mạnh mẽ từ các chính phủ trên toàn cầu đối với phát triển bền vững dưới sức ép của vấn đề môi trường, xã hội, chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Việt Nam cũng là quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong chuyển đổi nền kinh tế xanh và cam kết phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, người tiêu dùng và các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến các tiêu chí ESG cho sản phẩm và dịch vụ họ mua. Tất cả những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự phát triển của đầu tư bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi đầu tư tích hợp ESG tại Việt Nam giúp giảm thiểu rủi ro khi đầu tư và giúp gia tăng thành quả đầu tư bền vững hơn trong dài hạn. Năm 2023, Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF) của chúng tôi đạt hiệu quả đầu tư tốt, tăng 17,7%, vượt trội so với mức tăng 12,2% của chỉ số VN-Index. Trong 4 tháng đầu năm 2024, hiệu quả đầu tư của Quỹ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 11,4%, so với mức tăng 7% của VN-Index.
UOBAM Việt Nam sắp có thêm một sản phẩm đầu tư mới hướng đến việc chia cổ tức định kỳ, bà có thể chia sẻ thêm về sản phẩm này và vì sao công ty lại cho ra mắt ở thời điểm hiện tại?
Hiện UOBAM Việt Nam đang thực hiện đợt chào bán ra công chúng (IPO) chứng chỉ Quỹ đầu tư United thu nhập năng động Việt Nam (UVDIF) trong khoảng thời gian từ ngày 21/05/2024 đến ngày 19/06/2024. Quỹ sẽ đầu tư vào các loại hình tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, công cụ tiền tệ và một phần vào cổ phiếu với mục tiêu tìm kiếm nguồn thu nhập đều đặn định kỳ cùng sự tăng trưởng về vốn gốc trong dài hạn cho nhà đầu tư. Quỹ hướng đến mục tiêu chi trả lợi tức hàng năm cho nhà đầu tư của quỹ.
Trong môi trường lãi suất tiền gửi thấp hiện nay, chúng tôi nhận thấy sản phẩm đầu tư mà có thể trả lợi tức hàng năm ở một mức tương đối hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi và có mức độ rủi ro vừa phải, đồng thời cung cấp thanh khoản tốt sẽ nhận được sự quan tâm nhiều của nhà đầu tư. Do đó, sự ra đời của quỹ UVDIF là để đáp ứng nhu cầu gia tăng này.