Ước mơ an cư và niềm vui ngày Tết của người vạn chài tật nguyền
Từ khi lọt lòng, 2 chân của anh Phạm Văn Hòe (Hà Tĩnh) đã bị teo cơ nên không thể đến trường. Sau hơn 40 năm lênh đênh sông nước, anh vui mừng được đón Tết trong ngôi nhà do Nhà nước và mạnh thường quân hỗ trợ.
Anh Phạm Văn Hòe (SN 1980, thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) không nghĩ rằng cuộc đời lại có ngày hôm nay, bởi gia đình anh cũng như 23 hộ dân khác vừa được mạnh thường quân hỗ trợ 1 căn nhà kiên cố, khang trang, rộng rãi.
Từ nhỏ, anh Hòe đã chịu nhiều thiệt thòi bởi đôi chân không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Mặc dù đã được gia đình chạy chữa, vái lạy tứ phương nhưng chứng teo cơ cẳng chân vẫn không thuyên giảm, khiến anh đi lại hết sức khó khăn.
Vì sức khỏe yếu, gia đình lại làm nghề chài lưới, nên anh Hòe không được đến trường. Từ nhỏ, anh đã theo mẹ nay đây mai đó, ngược xuôi mưu sinh trên dòng sông Lam.
Vốn bị tật nguyền lại không biết chữ nên cuộc sống của anh gắn chặt với con thuyền, chài lưới và sông nước. Đến nay, hơn 40 năm sinh sống trên thuyền vì thế từ bữa ăn, giấc ngủ đến ước mơ cũng không khỏi chênh chao.
Do 2 chân bị teo cơ nên anh Hòe không làm được việc nặng, hơn nữa về mùa mưa lạnh chân thường đau nhức nên mọi thứ đều nhờ vào vợ. Quá trình chài lưới, anh chỉ ngồi ở phía lái điều khiển con thuyền, còn việc buông lưới, thu gom ngư cụ hoặc khởi động máy đều do vợ đảm nhận.
Nhớ về quãng thời gian cả nhà 6 người chen chúc trên chiếc thuyền nhỏ, anh Hòe cho biết, nhà có con nhỏ nên ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào cũng phải đỗ thuyền ở chỗ nông, hoặc có cái lạch nào thì chạy vào đó để ẩn nấp.
“Tối 2 vợ chồng ngủ 2 đầu thuyền, các con nằm ở giữa. Để đảm bảo an toàn phải buộc các con lại với nhau bằng cách đâm thủng một lỗ ở tà áo rồi dùng dây luồn từ đứa này qua đứa khác. Nhiều khi cha mẹ làm mệt rồi ngủ say, con dậy bò đi thì cũng khổ”, anh Hòe tâm sự.
Cũng theo anh Hòe, về mùa mưa lũ rất khổ, nước lên đến đâu là phải kéo thuyền vào đến đó, vì thế nhiều đêm liền vợ phải thức trắng để canh nước. Mùa lũ năm 2020, trong khi cả nhà đang ăn cơm, tự nhiên sóng gió cùng mưa lớn ập đến. Lúc này, cha cùng các con phải dồn thức ăn và ngồi vào giữa thuyền, còn mẹ thì nhảy xuống nước kéo thuyền vào bờ.
“Gần đây, trên đường đón 2 đứa con đi học về thì gặp giông bão, sóng tạt nước vào đầy thuyền. Mặc dù cách chỗ vợ con gặp nạn không xa nhưng tôi chỉ biết đứng nhìn bất lực. May nhờ người dân gần đó bơi ra hỗ trợ kéo thuyền vào bờ, nếu không thì 2 đứa con sẽ gặp nguy hiểm”, anh Hòe nhớ lại.
Niềm vui ngày cận Tết
“Nhiều đêm nằm không ngủ được, chỉ mơ ước làm sao có miếng đất nhỏ để lên dựng cọc, lợp vài tấm bro xi măng để con cái có chỗ ở ổn định, không phải lênh đênh như các bậc cha ông”, anh Hòe tâm sự.
Theo anh Hòe, từ khi được đưa vào danh sách hỗ trợ nhà ở, vợ chồng luôn trông ngóng đến ngày được lên bờ, được ở trong chính ngôi nhà của mình. Đây là năm đầu tiên cả nhà được ăn Tết trên bờ mà không phải ăn nhờ ở đậu.
“Ban đầu vợ chồng tôi nghĩ họ cho đất là may mắn lắm rồi, không nghĩ là có cái nhà khang trang kiên cố như vậy, ngoài sức tưởng tưởng của vợ chồng tôi. May nhờ có Đảng, Nhà nước và các mạnh thường quân, nếu không thì cuộc đời tôi và các cháu sẽ không bao giờ có cơ hội lên bờ để ở”, giọng anh Hòe nghẹn lại.
Thấy anh Hòe được cấp nhà ở mới, người cho cái bếp, người hỗ trợ bình gas, người cho tấm ri đô ngăn giữa phòng khách và khu vực nấu nướng. Ai cũng vui mừng và mong muốn gia đình anh có chỗ ăn ở để ổn định cuộc sống.
Nói về tương lai, anh Hòe chia sẻ, một vài năm tới sẽ xin đi học thợ mộc, còn vợ đi làm công ty hoặc phục vụ hàng ăn để lo cho con cái ăn học. Đời cha đã thất học nên đây là cơ hội để cho các cháu được tiếp tục học hành.